Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới

Địa phương
03:27 PM 14/07/2025

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Quyết định quan trọng này được đưa ra vào ngày 12 tháng 7 năm 2025, trong kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) tại Paris, Pháp.

Sự công nhận này đánh dấu đây là di sản thế giới thứ chín của Việt Nam và là di sản liên tỉnh thứ hai, sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Đồng thời, đây cũng là di sản dạng chuỗi đầu tiên của Việt Nam, phản ánh đầy đủ sự gắn kết giữa tự nhiên, văn hóa và tôn giáo xuyên suốt nhiều thế kỷ.

Quần thể di sản bao gồm 12 địa điểm trải dài qua ba tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng. Các địa điểm nổi bật bao gồm Thái Miếu, chùa Hoa Yên, chùa Ngoạ Vân và bãi cọc Yên Giang ở Quảng Ninh; Đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương ở Hải Phòng; và chùa Vĩnh Nghiêm cùng chùa Bổ Đà ở Bắc Ninh.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 1.

Chùa Yên Tử - Ảnh: Fanpage Chùa Yên Tử

Trung tâm tư tưởng của quần thể là Phật giáo Trúc Lâm – dòng thiền mang bản sắc Việt được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII. Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho hệ thống tư tưởng khoan dung, hòa hiếu, kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa, đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thông qua hệ thống đền tháp, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích trải dài từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc, di sản phản ánh các giai đoạn phát triển quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm – từ thành lập, thể chế hóa đến phục hưng và lan tỏa.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, để có được thành công này, từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích;

Nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhân dân các địa phương.

Hồ sơ đề cử được xây dựng trong 13 năm, với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia di sản và chính quyền ba địa phương. Thành công của việc quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ hơn chục năm qua, sự đồng thuận cao và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng cùng với sự hỗ trợ thiết thực của cơ quan truyền thông, doanh nghiệp.

Trước đó, Việt Nam đã có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993), vịnh Hạ Long (1994, mở rộng ra Cát Bà 2023), phố cổ Hội An (1999), thánh địa Mỹ Sơn (1999), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003, mở rộng 2015), hoàng thành Thăng Long (2010), thành nhà Hồ (2011) và quần thể danh thắng Tràng An (2014).

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp

Trong chiến lược phát triển du lịch gắn với tăng trưởng xanh và xây dựng nông thôn mới nâng cao, Hà Nội đang từng bước khai thác tiềm năng vùng ven đô thông qua mô hình du lịch nông nghiệp. Hướng đi này vừa kết nối không gian làng quê với nhịp sống đô thị, vừa góp phần phát huy giá trị nông nghiệp, bảo tồn bản sắc và mở rộng sinh kế bền vững cho người dân.