Quản trị tốt dữ liệu sẽ giúp hạn chế những vụ tiêu cực như ở Thanh Hóa
Theo đại diện Cục Tin học hóa, việc quản trị dữ liệu, xây dựng nguồn dữ liệu tốt và kết nối chia sẻ dữ liệu rộng rãi chắc chắn sẽ hạn chế được các vụ tiêu cực như vụ gian dối về hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Thanh Hóa.
Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhấn mạnh, CNTT và Chính phủ điện tử sẽ là giải pháp hạn chế được các sự việc tiêu cực như vụ gian dối thông tin hộ nghèo, cận nghèo ở Thanh Hóa.
Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người dân cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đang thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng vừa qua, tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã liên tục lộ ra những chuyện lùm xùm như hộ cận nghèo có nhà tiền tỉ, dồn nhân khẩu vào hộ nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới...
Thông tin với VietNamNet, đại diện Sở TT&TT Hà Tĩnh - đơn vị đã xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ chi trả trợ cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, cho biết: Việc phát hiện các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không đúng tiêu chí có 2 kênh để phát hiện là Hội đồng thẩm định cấp xã, cấp huyện; và phản ánh từ người dân, báo chí.
“Hệ thống phần mềm tự nó không phát hiện được người giàu nghèo. Tuy nhiên, thông qua việc công khai, minh bạch thông tin một cách rộng rãi, sẽ cho phép tự phát hiện trong cộng đồng”, đại diện Sở TT&TT Hà Tĩnh chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cũng cho rằng, nguyên nhân của vụ gian dối thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa nằm ở vấn đề quản trị công, cơ chế thực thi và tuân thủ chính sách đã quy định; chứ không nằm ở vấn đề CNTT và Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, CNTT và Chính phủ điện tử sẽ là giải pháp hạn chế được các sự việc tiêu cực như trên.
Xem xét vụ việc ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa dưới góc độ CNTT, đại diện Cục Tin học hóa phân tích, sự việc này xảy ra do thiếu một số yếu tố như: Thông tin về hộ nghèo không được công bố hoặc công bố trong phạm vi hạn chế nên nhiều người không được tiếp cận được để có cơ chế giám sát, thể hiện sự minh bạch không cao; Thiếu sự đối soát giữa nhiều nguồn thông tin để xác định và thực thi chính sách hộ nghèo, cận nghèo một cách chính xác. Điều này dẫn đến việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan của một số người nhất định.
Cùng với đó, quy trình xác định hộ nghèo, cận nghèo chưa được chuẩn hóa, thống nhất và thực thi đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ. Chưa ứng dụng được CNTT để quản lý và xác định hộ nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí theo quy định.
Trả lời thẳng vào câu hỏi “Liệu giải pháp quản trị dữ liệu, kết nối chia sẻ dữ liệu có hạn chế, giảm thiểu được các vụ việc như vụ gian lận hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa hay không?”, đại diện Cục Tin học hóa khẳng định, việc quản trị dữ liệu, xây dựng được nguồn dữ liệu tốt và kết nối chia sẻ dữ liệu rộng rãi chắc chắn sẽ hạn chế, giảm thiểu được các vụ tiêu cực như trên.
Cụ thể, chúng ta cần có một cơ sở dữ liệu về hộ nghèo tốt, được xây dựng theo quy trình minh bạch và chặt chẽ. Bên cạnh đó, khi chúng ta có nhiều cơ sở dữ liệu khác để đối chứng, kiểm chứng thì sẽ phát hiện ra những mâu thuẫn trong việc quản lý hộ nghèo và xử lý ngay được vấn đề. “Vì vậy, việc quản trị dữ liệu, chia sẻ dữ liệu là rất cần thiết”, đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh.
Để việc ứng dụng CNTT hỗ trợ đặc lực trong công tác công tác quản lý, điều hành, hạn chế tối đa các vụ việc gian lận như ở Thanh Hóa, đại diện Cục Tin học hóa đề xuất, trong thời gian tới, chúng ta cần đưa CNTT vào ứng dụng trong toàn bộ quy trình xác định các hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng được cơ sở dữ liệu chứa dữ liệu về người nghèo, cận nghèo và thường xuyên cập nhật theo thực tế. Đây là sẽ cơ sở để cung cấp thông tin xây dựng và thực thi chính sách về người nghèo, người thoát nghèo. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT cũng sẽ làm minh bạch việc xác định hộ nghèo, giảm tiêu cực khi thực hiện.
Bên cạnh đó, cần kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu để dữ liệu của các cơ sở dữ liệu được thống nhất với nhau. Đơn cử như, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu người nghèo để định danh chính xác công dân; kết nối với cơ sở dữ liệu về phương tiện xe cơ giới để có thể xác định được ngay người có ô tô không thể là người nghèo; hay kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan để quản lý chặt chẽ hơn.
Như VietNamNet đã đưa tin, từ cuối tháng 4/2020, Hệ thống phần mềm nghiệp vụ và Cổng thông tin về kinh phí hỗ trợ người dân tỉnh Hà Tĩnh bị ảnh hưởng dịch bệnh theo Nghị quyết 42 của Chính phủ đã được đưa vào vận hành. Đây là hệ thống phần mềm do Sở TT&TT Hà Tĩnh chủ trì xây dựng. Thời gian qua, với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống phần mềm này, Sở LDDTB&XH Hà Tĩnh đã tổ chức rà soát, thẩm định và nhanh chóng công khai trực tuyến danh sách các nhóm đối tượng được hưởng, đồng thời nhanh chóng thực hiện chi trả và công khai kịp thời kết quả chi trả trên môi trường mạng (tại địa chỉ https://nq42cp.hatinh.gov.vn). Từ thực tế ứng dụng hiệu quả tại địa phương mình, đến nay Sở TT&TT Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan để chia sẻ thông tin và chuyển giao miễn phí hệ thống phần mềm hỗ trợ này cho 8 tỉnh, thành phố gồm: Thái Bình, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Gia Lai. |
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.