Quảng bá tinh hoa nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển kinh tế Thủ đô
Trước những thách thức với làng nghề thủ công truyền thống, TP. Hà Nội đã và đang hỗ trợ làng nghề xây dựng những điểm giới thiệu, bán và trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm lưu niệm... nhằm quảng bá tinh hoa làng nghề, tạo sức hấp dẫn du lịch, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nhiều thách thức trong phát triển nghề thủ công
Không chỉ đơn thuần là nơi chế tác, sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống mang tính đặc trưng, làng nghề còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng. Chính bởi nét độc đáo này mà những năm gần đây, các làng nghề truyền thống đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với 1.350 làng nghề, trong đó hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống, Hà Nội có tài nguyên dồi dào cho phát triển công nghiệp văn hóa. Nhận thức được lợi ích nhiều mặt của việc phát triển du lịch làng nghề, thành phố đã tích cực xây dựng và triển khai các kế hoạch nhằm phát triển du lịch gắn kết với các làng nghề truyền thống, tạo thêm những điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình về với Thủ đô.
Hoàn Kiếm là phần thị của Kinh thành Thăng Long xưa và là một trong bốn quận nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội ngày nay. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà dấu ấn ngành nghề còn lưu lại đậm nét trên tên các tuyến phố.
Khu phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử Quốc gia, vì vậy việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với nơi đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong đó, việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội của người dân và tất cả các cơ quan hữu quan.
Mới đây, tại tọa đàm về "Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển", ông Phạm Tuấn Long - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành "công nghiệp sáng tạo" có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Các chuyên gia đánh giá, nghề thủ công truyền thống Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đang đứng trước rất nhiều thách như: sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế... Phố nghề, nghề trên phố cổ, kinh doanh và sản phẩm du lịch của quận Hoàn Kiếm không đứng ngoài các vấn đề đó".
Từ thực tế bảo tồn, phát huy nghề làm tranh dân gian Hàng Trống, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn cho biết: “Do những khó khăn từ việc nguồn lực kế cận còn mỏng, chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động này còn thiếu tập trung… mà các hoạt động khôi phục, phát huy giá trị dòng tranh mới dừng lại ở tính chất quảng bá, mà chưa thực sự có hoạt động về bảo tồn, khôi phục di sản mang tính bền vững”.
Gắn du lịch với phố nghề
Khu phố cổ Hà Nội chính là khu 36 phố phường, nơi hội tụ tinh hoa của nhiều nghề truyền thống với các phố nghề và những ngôi đình thờ tổ nghề. Trải qua biến động của lịch sử, 36 phố phường xưa dần trở thành hoài niệm. Những khu phố gắn với nghề nghiệp hoặc mặt hàng đặc trưng bị mất dần. Đa số các con phố chỉ giữ lại được tên, Hàng Bông, Hàng Da, Hàng Chiếu, Hàng Mắm… nhưng không còn kinh doanh các mặt hàng như tên gọi của nó.
Trước thực trạng đó, ông Phạm Tuấn Long - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng: "Để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội (phố Hàng), tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội thì cần phải phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển. Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.
“Thông qua mỗi sản phẩm thủ công, chúng ta có thể thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng. Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó trở thành một kênh lưu giữ ký ức là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa.
Vấn đề đặt ra là làm sao để các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưa chuộng; sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống. Giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế phải chăng là một giải pháp căn cốt?”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Tuấn Long, để tháo gỡ được các vướng mắc mà nghề thủ công truyền thống đang gặp phải cần có những bước đi cụ thể, cần có phương pháp đúng, phù hợp.
Hiện nay, trước xu hướng thương mại hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trọng mục tiêu lợi nhuận, coi nhẹ các giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người dân ở các làng nghề về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề. Phát huy tính sáng tạo của người dân làng nghề, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.
Đồng thời, tương tác chặt chẽ giữa hoạt động du lịch gắn với phố nghề truyền thống và các sản phẩm truyền thống, gắn kết giữa các phường trong quận, giữa các phố nghề truyền thống trong địa bàn phường thuộc quận để tạo thành chuỗi hoạt động thu hút khách du lịch; tổ chức gắn biển thương hiệu tuyến phố và logo cho các cửa hàng để tạo nên thương hiệu cho mỗi con phố, từng cửa hàng, và đưa vào các tour du lịch mang tính chuyên nghiệp...
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển du lịch tại địa phương có làng nghề, hướng dẫn, tổ chức xây dựng các tour du lịch, đón khách chuyên nghiệp, các hình thức trải nghiệm, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi… góp phần tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thương HuyềnTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.