Quảng Bình: Bảo tồn và phát triển cây sa sâm
Với mục tiêu đưa cây sa sâm trở thành thương hiệu của vùng đất Quảng Bình, các dự án phát triển và nhân rộng cây sa sâm đã được người dân hưởng ứng tích cực, tạo điều kiện hình thành hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp mang lại kinh tế cao.
Sa sâm là một dược liệu quý vừa là một loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao, mọc nhiều trên vùng đất cát ven biển của tỉnh Quảng Bình. Trước đó, bà con thường hái lá nấu canh, nấu nước uống còn củ để ngâm rượu chứ không thu hoạch với mục đích kinh tế, thậm chí có nhiều người xem đây là loại cây dại nên đào bỏ. Những năm gần đây, khi các nhà khoa học phát hiện giá trị của sa sâm, khẳng định đây là giống cây dược liệu quý do đó nhu cầu thị trường về sa sâm ngày càng lớn.
Với mong muốn góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển giống cây sa sâm bản địa, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện Dự án "Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh". Việc thực hiện dự án có mục tiêu sẽ góp phần bảo tồn giống cây bản địa; đồng thời tạo cơ hội cho người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học. Hướng tới cùng chung tay bảo vệ môi trường bền vững theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án này được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023 do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua dự án "Quỹ bảo tồn" do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Viện Gustav - Stresemann (GSI, Đức) phối hợp thực hiện.
Dự án sẽ thu gom giống tại địa phương để xây dựng vườn ươm với diện tích 200m2; sau đó hướng dẫn kỹ thuật, trồng thí điểm tại hộ gia đình trên 800m2 và tiến tới mở rộng diện tích thêm 2.500m2 trong vụ mùa tiếp theo. Quá trình triển khai sẽ kết hợp hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, chế biến nhằm tạo tính bền vững của mô hình.
Theo đó, dự án hướng đến ít nhất 1.000 người dân được hưởng lợi, trong đó phụ nữ 70%, nam giới 30%. Tính sáng tạo thể hiện ở sự gắn kết giữa phát triển cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học; có sự phối hợp của các tổ chức khoa học để đảm bảo quy trình sản xuất có thể nhân rộng, thành lập tổ hợp tác, nhằm xây dựng mô hình quản lý chuyên nghiệp, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho địa phương, hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững.
Trước đó, tại huyện Bố Trạch, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Dũng Na đã thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KH-CN) liên kết "Trồng thử nghiệm sa sâm trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình", mang lại nhiều triển vọng về sự hồi sinh cho một giống cây quý. Đây cũng là mô hình trồng sa sâm đầu tiên trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào cây dược liệu, giúp hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Trong tương lai, địa phương sẽ hướng đến việc kết nối thị trường với các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm sa sâm Quảng Bình. Tiến tới đẩy mạnh công tác nhân giống và trồng cây thuốc trên quy mô lớn.
Cây sa sâm đã được HTX Nông nghiệp sinh thái Dũng Na và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình phát triển theo định hướng của HĐND tỉnh Quảng Bình với Nghị quyết số 67/NQ - HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2022 tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề ra cụ thể các quan điểm, mục tiêu phát triển và các đột phá phát triển của tỉnh. Đặc biệt chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên và giữ vững cân bằng sinh thái, bảo vệ cảnh quan, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài giá trị truyền thống là một phương thuốc chữa bệnh, ngay nay, nhờ những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học, cây sa sâm đã có chỗ đứng trên thị trường, cho giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Hiện, sa sâm được bán trên thị trường với giá trung bình từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, còn củ làm dược liệu nên sẽ có giá bán cao hơn.
Dự án trồng cây sa sâm là cơ sở để nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn giúp người nông dân có một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp mang lại kinh tế cao, ổn định cuộc sống và góp phần xóa đói giảm nghèo. Hy vọng đây sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp để bảo tồn và phát triển cây sa sâm trở thành một sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất Quảng Bình.
Lê Dung - Ngọc MaiViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.