Quang Bình: Đa dạng hóa các mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững
Nhờ đa dạng hóa các mô hình hỗ trợ sinh kế trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã giảm đáng kể qua từng năm; qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có diện tích trên 77.400 ha, dân số gần 51.000 người. Toàn huyện có hơn 62.000 người dân tộc thiểu số, có 73 thôn, bản đặc biệt khó khăn nằm chủ yếu ở xã thuộc khu vực vùng III.
Với 90% dân số trên địa bàn sống bằng nghề nông, chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, khả năng tái nghèo ở nhiều hộ nông dân là khá cao luôn đòi hỏi các cấp, các ngành của huyện Quang Bình có giải pháp kịp thời đồng hành với người dân xoá đói giảm nghèo một cách bền vững. Những năm qua, ngoài việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với những hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo, coi đây là "chìa khóa vàng" để tạo đột phá trong thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Quang Bình Đào Quang Diệu cho biết: Khi bắt tay vào triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, UBND huyện đã ban hành quyết định, phân công rõ trách nhiệm quản lý, tham mưu tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án cho các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện. Qua đó, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án được các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai ngay sau khi được phân bổ vốn.
Thông qua việc phân định rõ trách nhiệm tham mưu quản lý, tổ chức thực hiện chương trình đã tránh được tình trạng bị động, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình. Để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, huyện còn tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Người dân được tạo sinh kế bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Thực hiện dự án này, huyện Quang Bình được phân bổ nguồn vốn là 5.194 triệu đồng (nguồn vốn sự nghiệp), trong đó ngân sách Trung ương là 5.170 triệu đồng, ngân sách địa phương là 24 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai, các mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến nhận thức của người dân, giúp người dân từ phát triển sản xuất nhỏ lẻ làm quen dần với hình thức phát triển sản xuất tổ cộng đồng, đối ứng, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau. Tạo việc làm, động lực phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Từ đó, các hộ tiếp tục tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong các năm tiếp theo để phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Tính đến nay, huyện đã triển khai 11 dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (loại hình nông nghiệp) gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng trong năm 2024, huyện triển khai 4 dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại các xã Tiên Nguyên, Tân Nam, Yên Bình, Nà Khương với tổng kinh phí được cấp là 2.375 triệu đồng từ ngân sách Trung ương.
Tham gia dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng nuôi dê thương phẩm trên địa bàn thôn Hạ và thôn Hạ Sơn, xã Vĩ Thượng, anh Hoàng Văn Thành cho hay: "Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo nên để có được số tiền hàng chục triệu đồng mua dê và mở rộng chăn nuôi rất khó. Năm ngoái, nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tôi đã được hỗ trợ nguồn vốn hơn 40 triệu đồng để mua 20 con dê và tu sửa lại chuồng trại chăn nuôi. So với những vật nuôi khác, dê rất dễ nuôi, thức ăn là loại cây có sẵn ở trong vườn và phụ phẩm nông nghiệp như thân ngô, lạc… Hơn nữa, nuôi dê chỉ cần bảo đảm chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát thì sẽ tránh cho dê bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, nguồn phân dê có thể dùng để bón cho cây. Dê con nuôi 6 tháng thì có thể xuất chuồng. Nhờ có đàn dê mà gia đình tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, đến nay gia đình tôi đã thoát hộ cận nghèo".
Bên cạnh việc tạo sinh kế cho người lao động, thời gian qua, huyện Quang Bình còn chú trọng tổ chức tư vấn, giới thiệu các lao động trẻ xuất khẩu lao động tại một số thị trường cho thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… qua đó, nhiều lao động đã có nguồn thu nhập cao và có cuộc sống ổn định khi về nước.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.344 hộ nghèo (giảm 1.526 hộ so với kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2021), tỷ lệ hộ nghèo 9,07% (giảm 10,68% so với cuối năm 2021), bình quân mỗi năm giảm trên 4,5% tỷ lệ hộ nghèo. Ước thực hiện năm 2024 toàn huyện còn 694 hộ nghèo (giảm 4,39% so với cuối năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số/tổng số hộ nghèo ngày càng giảm, cuối năm 2021 là 98,54%, cuối năm 2023 là 98,21%.
Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Quang Bình trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, nhất là các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; cùng với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn địa phương đang từng bước thay đổi, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu.
Nhận thức của nhiều hộ nghèo giờ đây đã có sự chuyển biến tích cực đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững, coi đó là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi gia đình, từ đó tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, có thu nhập ổn định mà còn trở thành hạt nhân tích cực trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Với những tín hiệu tích cực này, chắc chắn huyện Quang Bình sẽ thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 như đã đề ra.
Trung KiênTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.