Quảng Bình: Đồng bộ hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Địa phương
02:59 PM 31/01/2023

Bắt đầu năm 2023, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng kết nối liên thông, đồng bộ.

Qua 2 năm thực hiện các mục tiêu chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của UBND huyện, nhiều nguồn vốn trên địa bàn huyện Bố Trạch được huy động và lồng ghép để đầu tư xây dựng, trong đó tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực quan trọng, như: Giao thông, thủy lợi, giáo dục. Đây là giai đoạn có vốn đầu tư lớn, các công trình xây dựng trên địa bàn nhiều, với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng.

Quảng Bình: Đồng bộ hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Một góc trung tâm huyện Bố Trạch (Ảnh: BQB)

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là khâu đột phá quan trọng, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Vậy nên, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Bố Trạch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt nhằm xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.

Ngoài ra, huyện đã chú trọng công tác lập, quản lý quy hoạch trên địa bàn, như: Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hoàn Lão đến năm 2045 với tổng diện tích nghiên cứu 24.005ha; lập quy hoạch phân khu thị trấn Nông trường Việt Trung với quy mô diện tích hơn 8.587ha.

Mục đích chủ trương của huyện là định hướng quy hoạch có tính kết nối, tôn trọng hiện trạng, đặc biệt là khu vực có mặt nước tự nhiên để đầu tư các công trình cải tạo cảnh quan xung quanh khu vực ao hồ, sông suối, góp phần điều hòa môi trường và hạn chế tình trạng ngập nước cục bộ về mùa mưa lũ. Cụ thể, khu vực sông Phường Bún, khu vực hồ Bàu Mạ... được huyện đầu tư dự án nhằm chỉnh trang đô thị và tính đến yếu tố bảo tồn diện tích mặt nước hiện có.

Đặc biệt, mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được huyện ưu tiên hàng đầu. Bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện đã đầu tư nâng cấp các hồ chứa nước, công trình giao thông trọng điểm với tổng chiều dài tuyến khoảng 18km, kết nối phía Đông và phía Tây huyện với mức đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 là 300 tỷ đồng (đường từ tỉnh lộ 561 đi cầu Sông Trước, đường kết nối từ đường ven biển đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nâng cấp cụm hồ Trọt Hóp và Bàu Trạng…).

Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án thành phần 1 - thuộc dự án đường ven biển đoạn qua địa bàn huyện Bố Trạch đang được huyện quan tâm triển khai theo đúng kế hoạch. Những công trình này sau khi hình thành, sự kết nối hệ thống giao thông theo hướng Đông - Tây sẽ có nhiều khác biệt so với hiện nay; đồng thời sẽ là cơ hội khai thác hết các tiềm năng, nhất là tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.   

Quảng Bình: Đồng bộ hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Nhiều dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng ở Bố Trạch bảo tồn diện tích mặt nước hiện có. (Ảnh: BQB)

Hiện nay, Bố Trạch cũng đang đón nhận nhiều cơ hội lớn về hạ tầng du lịch, thương mại và đô thị. Cùng với đó, việc huy động vốn đầu tư hạ tầng nông, lâm nghiệp cũng đạt kết quả cao. Nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai thực hiện góp phần nâng cao năng lực phục vụ sản xuất, phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai...

Song song, hệ thống mạng lưới điện được quan tâm nâng cấp, nhờ đó hệ thống điện nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt, cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới về điện. Hệ thống điện chiếu sáng đô thị tại huyện lỵ được quan tâm đầu tư, điện chiếu sáng đô thị ngày một mở rộng, góp phần làm tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị...

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc (toàn huyện hiện có 17/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Hệ thống chính trị, khối đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có nhiều cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 55,2 triệu đồng (toàn tỉnh 40 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7% (toàn tỉnh 5,02%).

Ngọc Tú - Hồng Hải
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.