Quảng Bình: Lên phương án phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Địa phương
03:22 PM 05/10/2021

Mới đây, đồng chí Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành để triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và phương án phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2021, đặc biệt là quý III vừa qua, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong tỉnh. Để ứng phó với tình hình thực tế, UBND tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh và đã đạt được một số kết quả ban đầu như số ca nhiễm COVID-19 giảm dần, nhiều địa bàn kết thúc giãn cách xã hội...

Quảng Bình: Phương án phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và biện pháp tháo gỡ khó khăn - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đặc biệt UBND tỉnh cũng đã đồng thời thành lập Tổ công tác đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu dự thảo Kế hoạch nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tỉnh Quảng Bình kiểm soát được tình hình dịch COVID-19; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân khôi phục, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, tạo đà cho tăng trưởng trong năm 2022; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho nhân dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...

Theo đó, dự thảo Kế hoạch được xây dựng dựa trên quan điểm của Chính phủ chuyển trạng thái từ mục tiêu "không có COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", đảm bảo các nguyên tắc: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn; chú trọng hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch... Bên cạnh đó, dự thảo Kế hoạch cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh "Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" là nhiệm vụ trọng tâm cần khẩn trương triển khai thực hiện với mục tiêu nhanh nhất, sớm nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khôi phục, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở thực hiện đúng quan điểm của Chính phủ, trong đó trước mắt cần đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà, không còn phù hợp; tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư; nghiên cứu phương án khôi phục hoạt động du lịch; đảm bảo an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ người lao động bị mất việc do đại dịch COVID-19 có công ăn việc làm.

Đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, đây vẫn phải được xác định là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho nhân dân, an toàn để sản xuất, kinh doanh. Do đó, phải thường xuyên tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các địa bàn, khu vực tiềm ẩn nguy cơ để kiểm soát tốt tình hình.

Về dự thảo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ công tác để bổ sung hoàn thiện Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong điều kiện mới gắn với phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Các sở, ngành, địa phương ngay sau khi Kế hoạch của tỉnh được ban hành, kịp thời cụ thể hóa và xây dựng Kế hoạch triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Lê Dung
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.