Quảng Bình: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch năm 2022

Địa phương
10:56 AM 30/12/2021

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Trong năm 2021, ngành NN&PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, bà con nông dân đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD. Nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

Quảng Bình: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch năm 2022  - Ảnh 1.

Điểm cầu tại Quảng Bình

Dự kiến năm 2022, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; phấn đấu tốc độ tăng trưởng 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng…

Tại hội nghị, các đại biểu ở điểm cầu Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận về giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng; triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành NN&PTNT, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, bền vững; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, đặc biệt vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh để đạt được những kết quả quan trọng của ngành NN&PTNT trong năm qua, góp phần cùng cả nước thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðồng chí yêu cầu ngành NN&PTNT tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, đổi mới tư duy, nâng cao tầm dự báo chiến lược kịp thời, chính xác; bám sát tình tình thực tế để cụ thể hóa đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp, xác định trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình thực hiện; đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách nâng cao chất lượng, năng lực chế biến; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành NN&PTNT chú trọng phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ môi trường biển và giải quyết dứt điểm cảnh báo Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng…

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.