Quảng Bình: Nỗ lực chuyển đổi số vì một tương lai minh bạch, tiện lợi và thịnh vượng
Với mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 31/3/2022 về CĐS tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) cùng các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết vào chương trình hành động Chuyển đổi số của mỗi địa phương, đơn vị.
Với quyết tâm thay đổi nhận thức, hành động từ người đứng đầu, các thành phần chủ chốt để thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành, làm việc trên môi trường số, tập trung phát triển nhân lực số nên "cuộc cách mạng Chuyển đổi số" trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng mạnh mẽ với sự tham gia của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân. Kết quả đạt được từ Chuyển đổi số đã thực sự mang lại những lợi ích to lớn và rút ngắn khoảng cách, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, tiếp cận toàn bộ thị trường kinh doanh, mua bán một cách nhanh chóng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn ban/tổ chỉ đạo CĐS do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban, 100% UBND cấp xã thành lập ban chỉ đạo, tổ triển khai Chuyển đổi số; thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn để triển khai Chuyển đổi số đến tận người dân.
Đối với phát triển chính quyền số phục vụ người dân, đến nay, Quảng Bình đã công khai 1.873 thủ tục hành chính với 811 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 99%. Trong đó tích hợp thành công 681 dịch vụ do tỉnh xây dựng lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 90%. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của người dân đạt trên 55% và được cập nhật vào kho quản lý dữ liệu điện tử trên Cổng Dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Nếu như trước đây người dân rất "ngại" phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống vì không biết phải gửi đến ai, bằng cách nào, thì nay khi gặp vấn đề cần phản ánh, các tổ chức, cá nhân chỉ cần gửi đến Trung tâm Điều hành thông minh bằng nhiều hình thức khác nhau qua Cổng thông tin tương tác: https://tuongtac.quangbinh.gov.vn; ứng dụng di động (Android và IOS): App QUANG BINH-S; hệ thống tổng đài: 0824561022.
Đặc biệt, thông qua ứng dụng di dộng phản ánh hiện trường (QUANG BINH-S), người dân có thể gửi các phản ánh về Trung tâm Điều hành thông minh kèm theo hình ảnh chụp và quay phim tại hiện trường. Ngay lập tức toàn bộ thông tin hình ảnh, nội dung, địa điểm phản ánh sẽ được trung tâm tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Toàn bộ công tác xử lý phản ánh đều được công khai, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan, đơn vị.
Song song với phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai đến từng cơ quan chuyên ngành, lĩnh vực. Với mục tiêu tăng năng suất lao động hàng năm tối thiểu 6,5%; kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh với tỷ trọng kinh tế số các ngành trọng điểm, mũi nhọn đạt trên 25%, tỉnh đã tập trung chỉ đạo khảo sát hỗ trợ Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó tập trung đẩy mạnh hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; đẩy mạnh thực hiện Đề án "hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Quảng Bình"; xúc tiến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu trên môi trường internet thông qua kênh truyền thông marketing trên nền tảng số; triển khai dự án "Nâng cấp tính năng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình".
Đến nay đã có trên 130 doanh nghiệp thành viên đăng ký tham gia và được niêm yết trên sàn thương mại điện tử tỉnh quangbinhtrade.vn, với số lượng sản phẩm được chào bán trên sàn là 265 sản phẩm. Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nộp thuế điện tử đạt 99.2%.
Có thể khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giải bài toán Chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất để phục vụ người dân. Tập trung trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng cho học sinh để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số. Góp phần xây dựng chính quyền phục vụ người dân một cách minh bạch, tiện lợi và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời đại số và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh Quảng Bình.
Hà GáiTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.