Quảng Bình: Nuôi cá lóc trên cát - mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo

Địa phương
01:42 PM 13/08/2024

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, người dân huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện và phát triển mô hình “nuôi cá lóc trên cát” đạt hiệu quả kinh tế cao.

Xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là xã vùng biển bãi ngang, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất ngư nghiệp gần bờ nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 50% tổng số hộ. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo, thoát nghèo được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Để từng bước nâng cao đời sống cho người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn thì phải có những chính sách đòn bẩy, gắn chặt việc giảm nghèo bền vững, thoát nghèo với nhiệm vụ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Quảng Bình: Nuôi cá lóc trên cát - mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo- Ảnh 1.

Mô hình kinh tế "nuôi cá lóc trên cát" giúp nhiều gia đình có đời sống ổn định, thu nhập khấm khá ở xã Ngư Thuỷ Bắc.

Trong những năm qua, chính quyền xã đã căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo, các ngành, đoàn thể để hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huy động nguồn lực và tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để tạo nên phong trào lớn.

Mô hình "nuôi cá lóc trên cát" được anh Trần Kim Phi, ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) là người tiên phong thực hiện và đã đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt. Anh cũng là người đã "mở đường" cho nghề nuôi cá nước ngọt vùng ven biển. Không những làm giàu bằng nghề nuôi cá lóc trên vùng cát, anh còn đứng đầu chuỗi liên kết giúp bà con nông dân cùng vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Cũng như những người nông dân sinh ra ở xã Ngư Thủy Bắc, anh Trần Kim Phi (SN 1976) mưu sinh bằng nghề đánh bắt ở vùng biển gần bờ. Mặc dù chăm chỉ lao động nhưng nghề biển bãi ngang vốn bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết nên thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Với quyết tâm không cam chịu mãi cảnh đói nghèo, anh Phi cất công đi đến nhiều vùng quê trên cả nước để học cách làm ăn. Năm 1997, anh vào miền Nam, vừa làm thuê vừa học hỏi nghề nuôi cá lóc. Trở về quê hương, từ nguồn vốn tiết kiệm và vay mượn anh tiến hành nuôi thử nghiệm những con cá lóc đầu tiên trên vùng đất cát của quê hương.

Quảng Bình: Nuôi cá lóc trên cát - mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo- Ảnh 2.

Hồ cá lóc trên cát ở trang trại của anh Trần Kim Phi.

Bắt đầu từ 3 ao cá của gia đình, diện tích mỗi ao khoảng 80m2 để thả cá lóc và tận dụng nguồn cá nhỏ khi đi biển đánh bắt để làm thức ăn. Sau 4 tháng nuôi, từ 3 ao cá, anh thu hoạch được hơn 1 tấn cá, thu lãi hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhận thấy mô hình nuôi cá lóc trên cát có hiệu quả, anh Phi quyết định chuyển đổi dần diện tích đất trồng cây hàng năm của gia đình sang đào ao thâm canh cá lóc. Đến năm 2010, diện tích ao nuôi của gia đình đạt 1ha với sản lượng xuất ra thị trường đạt 5 tấn/năm, doanh thu 250 triệu đồng; trừ chi phí lợi nhuận đạt hơn 120 triệu đồng.

Đồng thời, để mở rộng sản xuất, anh Phi dành nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu thêm tài liệu, quy trình nuôi trồng hải sản theo công nghệ mới để áp dụng vào nuôi cá lóc của gia đình. Đến nay, diện tích nuôi cá lóc của gia đình anh đã tăng lên 3ha với sản lượng cá lóc thương phẩm 100 tấn/năm.

Từ thành công của gia đình, những năm qua, anh Phi đã giúp nhiều hộ nông dân trong địa bàn xã Ngư Thủy Bắc xây dựng ao hồ, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, con giống để chuyển hướng sang nuôi cá lóc, phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ở địa phương.

Quảng Bình: Nuôi cá lóc trên cát - mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo- Ảnh 3.

Mỗi năm anh Kim Phi thu mua và tiêu thụ trên 3.500 tấn cá lóc.

Hiện nay, toàn xã hiện có hơn 150 hộ nuôi cá lóc, trong đó hàng chục hộ có từ 5-6 hồ nuôi (diện tích từ 100-300m2 mỗi hồ). Hiện sản lượng cá lóc của toàn xã đạt từ 3.000-3.500 tấn, thu về từ 100-125 tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ là người tiên phong đưa cá lóc về nuôi trên vùng cát, những năm gần đây, anh Phi còn là một trong những hộ đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá lóc theo công nghệ cao. Hiện gia đình anh đầu tư thêm nuôi ếch thương phẩm theo công nghệ cao.

Những thành tích đạt được trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", năm 2020, anh Trần Kim Phi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Năm 2024, anh vinh dự là 1 trong 2 cá nhân được Hội Nông dân tỉnh xây dựng, gửi hồ sơ tham gia bình chọn "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2024.

Lê Dung
Ý kiến của bạn