Quảng Bình: Phát hiện, bắt giữ 1.582 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Địa phương
03:22 PM 28/12/2022

Ngày 28/12, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức tổng kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022, đồng thời triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023 và nhiệm vụ năm 2023. Ông Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì hội nghị.

Năm 2022, tình hình vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn còn xảy ra. Theo số liệu thống kê, năm 2022, các ngành chức năng đã phát hiện và bắt giữ 1.582 vụ, trong đó, có 1.419 vụ bị xử lý hành chính (có 5 vụ từ kỳ trước chuyển sang), 32 vụ bị xử lý hình sự.

Quảng Bình: Phát hiện, bắt giữ 1.582 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. - Ảnh 1.

Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì hội nghị.

Tổng số tiền phạt hành chính, tiền bán hàng tịch thu, tiền truy thu thuế và trị giá hàng tịch thu chưa bán hơn 65,3 tỷ đồng, trong đó, tiền xử phạt hành chính trên 19,8 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu hơn 4 tỷ đồng, tiền phạt bổ sung và truy thu thuế trên 40 tỷ đồng và trị giá hàng tịch thu trong kỳ chưa thanh lý hơn 1,4 tỷ đồng. 

Hiện nay, các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo nổ qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục phát triển mạnh mẽ sẽ kéo theo hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trên TMĐT có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt, dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng, như: Đường cát, rượu, bia, nước giải khát, thời trang… tăng cao nên các đối tượng sẽ tập trung tích trữ nguồn hàng, thực hiện hành vi vận chuyển, buôn bán các mặt hàng này trên thị trường nội địa và qua biên giới với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi để trốn tránh sự tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. 

Năm 2023, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; tập trung tuyên truyền cho người dân cùng tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Kết luận tại hội nghị, ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại của các thành viên BCĐ 389 tỉnh trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới, các sở, ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp theo quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch của BCĐ 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Cùng với đó, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn để kip thời ngăn chặn tình hình vi phạm; tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, cửa khẩu, đường bộ, đường sắt, đường sông…; kiểm soát chăt chẽ chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cửa hàng, sàn TMĐT... để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm…

Trước đó, đầu tháng 12, để đảm bảo ổn định tình hình thị trường trong những tháng cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình cũng đã có Công văn số 234/BCĐ yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát; các văn bản khác có liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Quảng Bình: Phát hiện, bắt giữ 1.582 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. - Ảnh 2.

Quảng Bình tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, thị trường nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng xăng dầu, thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc shisha, pháo nổ, rượu, bia, nước giải khát, đường cát tinh luyện, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu và các mặt hàng thời trang…; sử dụng biện pháp nghiệp vụ khảo sát thị trường, thu thập thông tin, rà soát đối tượng nhằm nắm chắc các tuyến, địa bàn trọng điểm, xác định các đối tượng "đầu nậu", cầm đầu, chủ mưu, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm để kịp thời xây dựng phương án đấu tranh phù hợp, hiệu quả; chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa…

Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác phối hợp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đẩy mạnh việc sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; chủ động cung cấp thông tin về tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đến các cơ quan thông tin, báo chí để kịp thời đăng tin, bài nhằm đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền chính sách, pháp luật; tăng cường vận động nhân dân không trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Ngoài ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ động tham mưu kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Trần Hồng Hải
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.