Quảng Bình: Tăng cường công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Sáng 29/10, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
- Nghệ An: Giải pháp bền vững nào cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng
- Nghệ An: Thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu
- Nghệ An: Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
- Quảng Bình: Xuất quân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào mùa khô 2024-2025
Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh Quảng Bình và các sở, ngành liên quan.
Tại cuộc họp, đại diện Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã thông tin nhanh về tình hình mưa lũ, mực nước tại các sông trên địa bàn và nhận định tình hình trong thời gian tới. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh thông tin nhanh về tình hình thiệt hại, công tác ứng phó với mưa lũ trên toàn tỉnh.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã và đang triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh. Kịp thời huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, ứng cứu người dân tại các vùng bị cô lập, chia cắt, không tiếp cận được.
Đồng thời tổ chức di dời, sơ tán người dân tại các khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, sạt lở bờ sông, khu vực hạ du các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Phối hợp bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò. Tăng cường trực vận hành các hồ chứa bảo đảm an toàn đập, vùng hạ du và sẵn sàng xử lý các tình huống. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành đã phân tích, đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của mưa lũ, cũng như sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đánh giá cao sự chủ động của các địa phương, đơn vị trong triển khai các phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ", đặt an toàn của người dân lên hàng đầu.
Đồng chí yêu cầu cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh tiếp tục bám sát diễn biến mưa lũ, kịp thời thống kê chính xác thiệt hại để tham mưu cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục hậu quả. Các ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình diễn biến ngập lụt để chủ động công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng bị ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, đời sống sinh hoạt người dân.
Sẵn sàng phương án điều phối thông tin, tiếp nhận cứu trợ với mục tiêu đúng đối tượng, đúng địa chỉ, công khai, minh bạch. Triển khai công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình sau thiên tai; sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ người dân, các trường học, trạm y tế dọn dẹp, vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu vệ sinh đến đó. Kịp thời triển khai công tác xử lý nước sinh hoạt vùng nông thôn, phòng, chống dịch bệnh; sớm khắc phục, sửa chữa bảo đảm hệ thống điện, thông tin liên lạc thông suốt; hướng dẫn người dân các kỹ năng sử dụng điện an toàn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ động rà soát, kiểm tra tình hình hồ chứa sau mưa lũ, vận hành bảo đảm an toàn; kiểm tra các điểm sạt lở để có phương án xử lý, bảo đảm giao thông thông suốt. Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp với các địa phương tổ chức cho học sinh đi học trở lại ngay sau khi nước rút nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho giáo viên, học sinh.
Để công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống cho người dân được thực hiện khẩn trương, kịp thời và đặt lên hàng đầu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các lực lượng làm nhiệm vụ phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, không được chủ quan, lơ là. Tăng cường tuyên truyền để người dân, cán bộ các cơ quan, tổ chức bảo đảm an toàn trong mưa lũ, nhất là khi di chuyển, đi lại; khuyến cáo người dân không được đánh bắt cá, vớt củi trong mưa lũ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông của tỉnh thông tin kịp thời, chính xác về tình hình mưa lũ, công tác chủ động ứng phó, phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo của chính quyền các cấp, cũng như kịp thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân những việc nên và không nên làm trước, trong và sau mưa lũ, thiên tai.
Cũng trong sáng 29/10, thông tin từ UBND huyện Lệ Thủy cho biết, địa phương đã huy động 10 thuyền của ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt.
Trước mắt, sẽ huy động 3 thuyền tham gia hỗ trợ cứu hộ, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng "rốn lũ". Sau đó, tùy vào tình hình thực tế sẽ bố trí các thuyền của ngư dân làm nhiệm vụ hợp lý. Các thuyền của ngư dân tham gia chở hàng cứu trợ đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lịch sử năm 2020.
Những nhu yếu phẩm thiết yếu của các đoàn cứu trợ sẽ được địa phương tiếp nhận, vận chuyển vào tiếp tế cho người dân vùng "rốn lũ" bằng thuyền của ngư dân vùng biển.
Hiện, nước lũ trên sông Kiến Giang đang xuống chậm, mực nước lúc 7 giờ là 4,01m, so với đỉnh lũ 4,16m. Huyện Lệ Thủy vẫn còn hơn 19.700 nhà dân ngập lụt, trong đó, có hơn 8.000 nhà ngập trên 1m và hơn 11.600 nhà ngập dưới 1m. Để bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng ngập lụt, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ tại hai khu vực là ngã tư Cam Liên (xã Cam Thủy) và chợ Động (xã Mai Thủy).
Đỗ ViệtSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.