Quảng Bình: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1

Địa phương
03:50 PM 27/10/2022

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với Liên danh nhà thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, cùng thảo luận về đề xuất thay đổi công suất của Dự án, đồng thời hỗ trợ giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Cục Thuế, Cục Hải quan, UBND huyện Quảng Trạch và Ban Quản lý Dự án Điện 2. Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Mitsubishi, Công ty TNHH Kỹ thuật & Xây dựng Hyundai và Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Liên danh MC-HDEC-CC1) về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1.

Quảng Bình: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh). Dự án gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia sản lượng điện mỗi năm khoảng 8,4 tỷ kWh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện. Tổng mức đầu tư của Dự án là 41.130 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của EVN (30%) và vốn vay thương mại trong nước (70%).

Ngày 17/6/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Liên danh MC-HDEC-CC1 đã ký kết Hợp đồng gói thầu số 15 về thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp công trình Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. Gói thầu số 15 (EPC-QTI) có tổng giá trị khoảng 30.236 tỷ đồng, phạm vi thực hiện bao gồm thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp 2 tổ máy, công suất 2x600 MW và các hệ thống phụ trợ dùng chung. Sau ngày khởi công 09/12/2021, Tổ máy 1 dự kiến đưa vào hoạt động sau 42 tháng (08/6/2025), Tổ máy 2 vào hoạt động sau 48 tháng (08/12/2025).

Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng đường, bãi thải xi và kho bãi ngoài trời, cảng than, hệ thống ống thải, kênh thải hở và các hạng mục cơ bản…

Quảng Bình: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. - Ảnh 2.

Đại diện Liên danh MC-HDEC-CC1 trình bày những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Dự án

Tại buổi làm việc, Liên danh MC-HDEC-CC1 đã đề xuất lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu phê duyệt thay đổi công suất của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1; hướng dẫn phương thức kê khai thuế (hóa đơn VAT của từng thành viên Liên danh); phê duyệt Danh mục miễn thuế nhập khẩu; hỗ trợ và can thiệp trong việc bàn giao mặt bằng chậm trễ.

Quảng Bình: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. - Ảnh 3.

Đồng chí Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

 Sau khi nghe ý kiến thảo luận từ đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Bình luôn xác định Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là dự án trọng điểm, động lực của tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách địa phương. Trong thời gian vừa qua, tỉnh cũng đã hết sức nỗ lực để cùng với các cơ quan chức năng triển khai thi công Dự án. 

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện Dự án hiện đang chậm so với kỳ vọng của tỉnh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đồng chí cũng nhấn mạnh, nguyên tắc của tỉnh là tập trung thực hiện Dự án, trong đó những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành, Trung ương, UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng các nhà thầu, có văn bản báo cáo với cấp trên; vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, của các ngành, địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn. 

Đối với những đề xuất của Liên danh MC-HDEC-CC1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có những chỉ đạo cụ thể, trong đó yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu dự thảo văn bản cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh công suất của Dự án; căn cứ hướng dẫn của Tổng Cục thuế, Cục Thuế tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên danh trong vấn đề kê khai thuế; Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục báo cáo với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực để xem xét quyết định phương án nhận chìm, đổ thải.

Trần Hồng Hải
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.