Quảng Bình: Thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Địa phương
09:31 AM 09/03/2023

Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh (08/3/1993 - 08/3/2023).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Bác Hồ luôn coi công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc. Khắc ghi lời Bác "Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước luôn gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung, trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động, đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp… Chính sách dân tộc nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội", trải qua 30 năm phấn đấu và trưởng thành, Cơ quan công tác dân tộc tỉnh (nay là Ban Dân tộc tỉnh) với vai trò tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là các chương trình, dự án có tác động và sức lan tỏa như: Dự án bảo tồn, phát triển kinh tế - xã hội các tộc người đặc biệt khó khăn, có nguy cơ suy thoái gồm: Rục, Mày, Arem, Mã Liềng (giai đoạn 1993 -1999); Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi (1999 - 2020).

Quảng Bình: Thúc đẩy đầu tư phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi lễ

Trong đó, nhiều chính sách, đề án khác hiện nay được tích hợp trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã tạo nên sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần, hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh; quốc phòng - an ninh được đảm bảo. 

Công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả quan trọng: 15/15 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới Quốc gia và năng lượng khác; điện thoại, mạng internet, trạm y tế, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trong đó phần lớn hệ thống trường học được xây dựng khang trang; được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của bà con. 

Đi đôi với sự đổi thay cơ sở hạ tầng; cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển dịch đúng hướng; các hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất; được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trình độ sản xuất được nâng lên rõ rệt, giúp người dân dần thay đổi thói quen về canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp.

Quảng Bình: Thúc đẩy đầu tư phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa cho Ban Dân tộc

Ban Dân tộc tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua. 

Ông Trần Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ các thế hệ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc; cơ quan thường trực tham mưu chiến lược công tác dân tộc của tỉnh. 

Quảng Bình: Thúc đẩy đầu tư phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Ông Trần Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ rõ những mặt hạn chế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ; trình độ, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được xóa bỏ triệt để, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. 

Ông cũng yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh phát huy các thành tích đã đạt được, tập trung, quyết tâm, nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu, mong đợi của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi để giải quyết những vấn đề còn hạn chế nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, gắn bó, chuyên nghiệp, đồng sức đồng lòng hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.