Quảng Bình: Thúc đẩy giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài
Năm 2023, tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư nước ngoài hơn 875,7 tỷ đồng.Tính đến ngày 27/6/2023, các dự án ODA trên địa bàn tỉnh đã giải ngân vốn nước ngoài được 46.302 triệu đồng, đạt 5,29% tổng kế hoạch giao.
- Quảng Bình: Gần 370 nghệ nhân, diễn viên tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc
- Quảng Bình: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3
- Quảng Bình: Cải thiện, nâng cao các chỉ số về cải cách thủ tục hành chính
- Quảng Bình: Rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư
Mới đây, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và đề ra các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023.
Hội nghị trực tuyến do đồng chí Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính chủ trì. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài Chính cho biết, ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các địa phương rất thấp, mới chỉ đạt 6,32%. Trong đó, có 08/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% và có đến 16/50 địa phương chưa thực hiện giải ngân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này nhưng chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án. Cụ thể, những dự án chưa có khối lượng hoàn thành thường do các nguyên nhân như: Điều chỉnh chủ trương đầu tư, chậm nhận được ý kiến của nhà tài trợ, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai…
Đại diện nhóm các địa phương có quy mô vốn giải ngân lớn, các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao và nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp đã có nhiều trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất với Bộ Tài chính các giải pháp tháo gỡ.
Theo báo cáo tại tỉnh Quảng Bình, kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 là 875.702 triệu đồng. Các dự án ODA trên địa bàn hiện gặp nhiều vướng mắc về tình hình thực hiện và giải ngân nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Tính đến ngày 27/6/2023, các dự án ODA trên địa bàn tỉnh đã giải ngân vốn nước ngoài được 46.302 triệu đồng, đạt 5,29% tổng kế hoạch giao. Các khó khăn, vướng mắc hiện nay gặp phải chủ yếu liên quan đến công tác bố trí kế hoạch vốn; quy trình, thủ tục còn phức tạp; sử dụng nhiều nguồn vốn và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nên tác động lớn đến tiến độ giải ngân; công tác giải phóng mặt bằng; năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp còn hạn chế.
Đồng chí Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề.
Bên cạnh đó, với các địa phương có dự án ODA của các Bộ, ngành triển khai cần xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án; cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn được giao với những dự án không khả thi đồng thời bám sát từng dự án để chỉ đạo các nhà thầu thực hiện. Cùng với đó, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cũng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương làm việc với nhà tài trợ đồng thời ghi nhận kiến nghị của các địa phương tại hội nghị để nhanh chóng đề xuất các biện pháp tháo gỡ.
Ngọc Tú - Hồng HảiQuý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.