Quảng Bình: Tích cực triển khai các giải pháp gỡ "thẻ vàng" trong đánh bắt thủy sản
Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" cho hải sản khai thác tại Việt Nam.
- Quảng Bình: HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra
- Quảng Bình: Sơ kết công tác an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ quý III
- Quảng Bình: Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
- Quảng Bình: Thúc đẩy giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu với lý do vi phạm quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) và đưa ra 9 khuyến nghị để nước ta khắc phục. Ở Quảng Bình, có 3 lỗi mà EC đưa ra cảnh báo, đó là vi phạm vùng biển nước ngoài, khai báo chưa đầy đủ nhật ký khai thác và sản lượng qua cảng.
Dự kiến, tháng 10/2023, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Với nỗ lực chung tay cùng cả nước sớm được gỡ "thẻ vàng", UBND tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp tích cực. Thực tế, công tác chống khai thác IUU thời gian qua đã được các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Do đó, nhân thức của cán bộ, ngư dân từng bước được nâng cao, tổ chức giám sát hàng thủy sản qua cảng ngày càng chặt chẽ, công tác thanh tra, kiểm soát và xử lý tàu vi phạm khai thác IUU được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc do vậy hiện tượng vi phạm về khai thác IUU được giảm dần.
Quảng Bình có hơn 6.000 tàu cá, trong đó có 3.592 tàu cá từ 6m trở lên, 1.165 tàu từ 15m trở lên khai thác vùng khơi. Để thực hiện hiệu quả việc chống khai thác IUU, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, cấp độ phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân.
Kết quả, từ đầu năm đến nay, địa phương trọng điểm khai thác đã tổ chức 67 hội nghị tuyên truyền chống khai thác IUU với 4.652 lượt người tham dự, tổ chức cho 4.725 chủ tàu cá/thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, in và phát hơn 11.900 tờ rơi tuyên truyền...
Cùng với công tác tuyên truyền, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Trong công tác quản lý tàu cá, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát lại toàn bộ tàu cá của tỉnh, đến nay, đã có 3.553 tàu cá từ 6m trở lên đã đăng ký (đạt 98,8%); 2.356 tàu còn hạn giấy phép khai thác thủy sản (đạt 65,6%); 1.102 tàu cá từ 12m trở lên thực hiện đăng kiểm (đạt 71%).
Đối với việc kiểm soát tàu cá, thời gian qua, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá xuất bến, cập cảng theo đúng quy định, từ đầu năm đến nay, đã có 851 lượt tàu được kiểm tra, cơ bản bảo đảm tỷ lệ kiểm tra theo quy định.
Bên cạnh đó, giám sát hoạt động tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình đã được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm. Từ đầu năm đến nay, thông qua hệ thống giám sát hành trình, các cơ quan chức năng đã phát hiện 18 trường hợp vượt ranh giới, các địa phương đã xác minh được thông tin của 14 chủ tàu, các tàu này đều di chuyển qua nhưng không KTTS, còn 4 trường hợp còn lại đang được xác minh làm rõ.
Cùng với đó, nhằm động viên, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, ngư dân Quảng Bình đã có nhiều mô hình hoạt động rất đáng được nhân rộng, triển khai như mô hình hoạt động theo hình thức tổ đoàn kết, tổ hợp tác, tổ biển xa... Cùng nhắc nhở nhau thực hiện đúng chủ trương chung của tỉnh, tuyệt đối không tham gia đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài để cùng góp sức gỡ "thẻ vàng" IUU.
Đặc biệt, năm 2023, Chi cục Thủy sản cũng đã thí điểm mô hình "Đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản" tại 2 xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy (Lệ Thủy). Đây là mô hình nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển tại vùng biển ven bờ được giao thực hiện đồng quản lý.
Qua đó, hạn chế tình trạng khai thác, đánh bắt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển nghề cá bền vững, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi hiện nay, nguồn lợi thủy sản suy giảm, trong khi số lượng tàu cá ngày càng lớn, tạo áp lực khai thác nên dẫn đến vi phạm ranh giới khai thác vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Cụ thể, nhiều tàu cá vẫn chưa có giấy phép khai thác thuỷ sản hoặc giấy phép đã hết hạn, quá hạn đăng kiểm, chưa thực hiện lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình; việc tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thuỷ sản, tàu giã cào trái phép tại vùng biển ven bờ;...
Để chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC, Quảng Bình đang thực hiện quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về quy định chống khai thác IUU cho người dân và các thành phần có liên quan để nắm và tuân thủ thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh việc ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện nghiêm túc, bảo đảm hoàn thành công tác quản lý tàu cá theo quy định trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 4; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá của tỉnh và tàu cá của tỉnh khác hoạt động trên vùng biển Quảng Bình, tập trung cao điểm thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU xảy ra tại địa bàn theo quy định…
Lê DungNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".