Quảng Bình: UBND tỉnh họp triển khai công tác ứng phó mưa lũ đầu tháng 11/2024
Sáng ngày 4/11/2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu các địa phương trong tỉnh để triển khai công tác ứng phó mưa lũ đầu tháng 11/2024.
Đồng chí Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh và đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Theo đó trong đợt mưa, lũ tháng 10 vừa qua, do mưa lớn kết hợp với mực nước triều tại cửa Nhật Lệ dâng cao, gió Đông Bắc thổi mạnh (cấp 6-7), sóng lớn, ảnh hưởng đến thoát lũ, gây ngập lụt, thiệt hại nặng cho vùng đồng bằng Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới, cụ thể: Mưa lũ đã làm 07 người chết và 26 người bị thương; 34.488 nhà bị ngập, trong đó 14.000 ngôi nhà bị ngập sâu từ 01m trở lên; 58 thôn, bản của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.
Khoảng 791 ha rau màu, 895 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cuốn trôi, 70.538 gia cầm, 488 gia súc bị chết và cuốn trôi, 05 tàu cá chiều dài từ 09 - 11m bị chìm tại các khu vực neo đậu truyền thống do mưa lớn, kết hợp sóng đánh nước tràn vào, gây chìm tàu; 84 điểm đường giao thông bị ngập, trong đó có 14 điểm thuộc các tuyến quốc lộ, 10 điểm sạt lở mái taluy đường với trên 3.000m3 đất, đá; khu vực thành phố Đồng Hới xuất hiện nhiều điểm ngập sâu từ 0,5 đến 1,0 m. Mố trụ cầu Cồn Cùng, xã Kim Thủy bị sạt lở nghiêm trọng; 93 điểm trường với 832 phòng học và 20 trạm y tế bị ngập từ 0,5 - 03m… Thiệt hại do thiên tai mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính ban đầu khoảng 615 tỷ đồng, trong đó huyện Lệ Thủy 300 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh 200 tỷ đồng.
Dự báo khí tượng thủy văn Quảng Bình từ tối 3/11 đến sáng ngày 5/11 Quảng Bình có mưa vừa và mưa to lượng mưa phổ biến 80 - 300mm, có nơi trên 320mm. Trong ngày 5/11 đến đêm 5/11 còn có mưa to cục bộ, có mưa rất to, lượng mưa phổ biến 70 - 150mm, có nơi trên 200mm. Mực nước trên các sông lên BĐII-BĐIII.
Để chủ động với tình hình mưa, lũ, triển khai các công tác ứng phó đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh đã nghe các đơn vị, địa phương báo cáo nhanh tình hình mưa lũ, công tác ứng cứu, khắc phục thiệt hại sau lũ tại các địa phương bị ảnh hưởng.
Hai địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua là huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy bên cạnh khắc phục các khó khăn do lũ lụt gây ra cũng đang khẩn trương triển khai các phương án để đảm bảo an toàn trước những diễn biến bất thường của thời tiết.
Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực, nghiêm túc, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong công tác ứng phó với đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6 và hoàn lưu của bão, cũng như công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Cùng với đó, đồng chí đặc biệt ghi nhận, cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ rất kịp thời, có hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ bà con nhân dân vùng ngập lụt Quảng Bình.
Đến thời điểm hiện tại, khi nước lũ đã rút hết, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các địa phương huy động các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải có phương án, kịch bản mới sẵn sàng, chủ động ứng phó trong mọi tình huống, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản…
Minh TúDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.