Quảng cáo sản phẩm sai sự thật: Vì đâu “mèo vẫn hoàn mèo”?
Mặc dù có nhiều quy định đã được ban hành đối với công tác quản lý quảng cáo về công dụng sản phẩm, tuy nhiên, thực trạng sai phạm trong quảng cáo sản phẩm vẫn diễn ra rầm rộ…
Cục An toàn thực phẩm cũng liên tục đưa ra các thông báo về hàng loạt sản phẩm vi phạm trong quảng cáo
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từ cuối tháng 4/2020 đến ngày 8/5/2020, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng. Những sản phẩm này, chủ yếu được quảng cáo trên các trang website, mạng xã hội như "thần dược" điều trị khỏi một số bệnh: Đái tháo đường, tim mạch, xương khớp, trĩ, gout, tăng sức đề kháng của cơ thể…
Ở một diễn biến khác, trong thời gian vừa qua, trên website chính thức của mình vfa.gov.vn, Cục An toàn thực phẩm cũng liên tục đưa ra các thông báo về hàng loạt sản phẩm vi phạm trong quảng cáo như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe HAREBARE KAISOKU; Đại kiện can; Likigold; Viên khớp Đại Việt; Mr Sun;… Nhưng, có một thực tế, nhiều sản phẩm đã bị “tuýt còi” công khai bằng các thông báo như đã nêu, tuy nhiên, sai phạm vẫn hoàn sai phạm như tình trạng sản phẩm Vương liễu số mà Diễn đàn Doanh nghiệp đã từng phản ánh.
Thông tin trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Chúng tôi xin nhắc lại về các sản phẩm TPCN, Nhà nước tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng nhưng luôn luôn lưu ý đây không phải là thuốc và càng không thể thay thế thuốc chữa bệnh, tuyệt đối không được quảng cáo giảm bệnh, chữa bệnh…
Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong: vì lợi nhuận, các đơn vị kinh doanh sẵn sàng lừa dối cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều người do tin vào quảng cáo TPCN, từ chối sử dụng thuốc khiến bệnh ngày một nặng lên, khi tới cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn, vì đã bỏ qua "thời gian vàng" chữa bệnh…
Đánh giá về thực trạng trên, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty luật HPVN cho hay, về mặt quản lý hành chính Nhà nước, thực tế chúng ta có nhiều quy định chặt chẽ trong quản lý hoạt động quảng cáo sản phẩm như: Luật Quảng cáo 2012; Luật an toàn thực phẩm 2010; Nghị định 181/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;…
Cũng theo Luật sư Hiệp, "Đối với các trường hợp vi phạm trong quảng cáo, có thể áp dụng quy định xử phạt vi phạm theo khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Ngoài ra, người thực hiện quảng cáo phải có trách nhiệm tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai”.
Đặc biệt, ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, đối với hành vi quảng cáo gian dối, còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
"Để xảy ra thực trạng tràn lan vi phạm trong quảng cáo sai sự thật như hiện nay, ngoài lợi nhuận về kinh tế thì chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào vấn đề, việc xử lý vi phạm hiện nay vẫn chưa thực sự nghiêm khắc, công khai, minh bạch nên dễ dẫn đến tình trạng đang cảnh báo hoặc đã xử lý “mèo vẫn hoàn mèo”, Luật sư Hiệp chia sẻ.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.