Quảng cáo trong gameshow: Chiến lược thông minh nhưng còn nhiều "sạn"
Việc quảng cáo sản phẩm trong gameshow không mới nhưng là cách làm thông minh và đây là nguồn thu cần thiết để xây dựng chương trình. Tuy nhiên, bài toán cần giải quyết là quảng cáo làm sao để người xem không thấy phản cảm hay khó chịu mà hiệu quả truyền thông vẫn cao.
Cách quảng cáo thông minh, dễ tiếp cận người tiêu dùng
Từ vài năm trở lại đây, nhiều chương trình truyền hình thực tế (gameshow), các bộ phim, hay thậm chí là những chương trình phát vào giờ vàng chọn cách trả quyền lợi cho nhà tài trợ bằng việc trực tiếp đưa sản phẩm của nhãn hàng vào nội dung chính, thay vì các TVC (Television Commercial - quảng cáo trên truyền hình) được chèn vào khung giờ dành cho quảng cáo.
Xuyên suốt những chương trình này là rất nhiều những chiến thuật quảng cáo sản phẩm đan cài.

Cách quảng cáo trên được gọi là quảng cáo Product Placement (PPL), là một phương thức quảng cáo trong đó một sản phẩm hoặc thương hiệu xuất hiện một cách tự nhiên trong các phương tiện truyền thông như phim ảnh, chương trình truyền hình, video âm nhạc, trò chơi điện tử và các nền tảng trực tuyến.
Hiện nay, cách làm này dù không mới, nhưng vẫn mang lại hiệu quả nhất định, khá thông minh, gần gũi trong việc quảng bá, được nhiều chương trình thực hiện.
Theo các nhà sản xuất, một chương trình giải trí hiện có hai cách sản xuất. Một là bỏ kinh phí thực hiện rồi thu lại từ nguồn quảng cáo khi chương trình phát sóng. Cách làm này phù hợp với những chương trình nhỏ và vừa.
Cách thứ hai là tìm kiếm các công ty tài trợ để được đầu tư kinh phí sản xuất. Có rất nhiều hình thức nhà sản xuất phải trả lại quyền lợi cho nhà tài trợ. Và một trong những quyền lợi ấy là đưa sản phẩm quảng cáo lồng ghép vào nội dung chương trình.
Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, hầu hết các chương trình truyền hình thực tế quy mô đều cần sự đầu tư lớn. Không có nhà tài trợ thì không thể sản xuất chương trình được. Quảng cáo xen vào nội dung vì vậy cũng ngày càng phổ biến.
Với một nhãn hàng, khi tiến hành kế hoạch quảng cáo, marketing cho sản phẩm thì kênh quảng cáo trên truyền hình hiện đang được đánh giá là tối ưu nhất, khán giả vẫn đang đặt niềm tin vào kênh quảng cáo này. Việt Nam hiện nay các gameshow và những chương trình truyền hình thực tế đang là kênh thu hút nhiều đối tượng xem nhất.

Đặc biệt gameshow hay truyền hình thực tế thường kéo dài qua nhiều tuần thậm chí là vài tháng với nhiều hình thức hấp dẫn và có rất nhiều người nổi tiếng tham, được dư luận và báo chí nhắc đến liên tục. Khi đó, việc tham gia tài trợ trong các chương trình này đảm bảo thành công và ghi dấu ấn nhất định cho chiến lược marketing của sản phẩm của nhà tài trợ.
Người xem "bội thực" quảng cáo
Câu chuyện thông qua quảng cáo để tài trợ chương trình, ai cũng hiểu và phần lớn đều thông cảm.
Một số chương trình truyền hình thực tế như: Nhân tố bí ẩn, Gương mặt thân quen, Vietnam Idol, Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Tôi tỏa sáng… nhà tài trợ đang được ưu ái. Những clip quảng cáo thì xuất hiện vị trí đẹp nhất dễ xem nhất trong thời gian quảng cáo, banner chạy chữ chân màn hình thì liên tục xuất hiện đi kèm các phần giới thiệu thí sinh hay màn trình diễn. Còn trên sân khấu lô gô của nhà tài trợ nằm ở vị trí trung tâm nhất và đẹp nhất trên sân khấu, luôn hiện hữu trong mỗi góc hình.
Nhưng xem các chương giải trí hiện nay, dường như nội dung quảng cáo đang xuất hiện dày đặc, khiến gameshow dường như trở thành một TVC dài tập, chương trình cũng từ đó nhạt nhòa, không còn sức hấp dẫn.
Đơn cử, một chương trình thực tế thu hút sự quan tâm của khá nhiều khán giả. Tuy nhiên, nhiều khán giả vô cùng khó chịu khi nội dung của chương trình chèn nhiều quảng cáo sản phẩm, nhãn hàng một cách lộ liễu. Chương trình đã cố nhồi nhét sản phẩm của nhà tài trợ, là nước mắm, tương ớt, nước rửa tay, điện thoại... để chính các nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm với lời "có cánh".

Một hình ảnh quảng cáo trong gameshow.
Không chỉ trong gameshow mà đến phim giờ vàng, phim chiếu rạp, chương trình truyền hình, những màn quảng cáo lồng ghép trực tiếp vào chương trình đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc của công chúng.
Nhà sản xuất nhượng bộ để mong có được một nguồn kinh phí, nhưng vì kinh phí nhiều khi bị lấn lướt với các đòi hỏi thêm ở các điều khoản nhưng người chịu trận là chính khán giả. Họ phải xem đi xem lại hình ảnh của nhãn hàng tài trợ trong suốt chương trình, lại phải tiếp tục xem trong mỗi phần quảng cáo, nhiều người than ngắn thở dài xem đến nửa chương trình, nửa bộ phim mà không phân biệt được là mình đang xem biểu diễn hay xem quảng cáo sản phẩm của nhà tài trợ được giới thiệu theo nhiều cách khác nhau.
Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Lưu Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong nền kinh tế thị trường với tính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các nhà làm quảng cáo luôn muốn gây sự chú ý với công chúng để đạt được mục tiêu. Điều này dẫn đến tình trạng còn khá nhiều những đoạn quảng cáo gượng gạo, thiếu văn hóa. Khán giả thường phải ép mình xem những đoạn quảng cáo thiếu chân thật, với lời lẽ khoa trương, phóng đại.
Theo PGS.TS Lưu Hồng Minh, việc quảng cáo tràn lan, "vô tội vạ" phản ánh tình trạng thiếu kiểm soát của nhà sản xuất, những người làm nội dung.
Nếu đưa hình ảnh, lời giới thiệu của nhà sản xuất chừng mực và tinh tế hơn, cũng như không quá xoáy sâu vào sản phẩm, không tạo cảm giác rằng nghệ sĩ đang cố tương tác để lấy lòng nhãn hàng, thì đã không khiến người xem bị “bội thực”. Bởi, với các chương trình truyền hình thực tế mang tính trải nghiệm, việc quảng cáo không cẩn thận đã và đang tạo tác dụng ngược và thậm chí là bị “tẩy chay”. Nếu sự lồng ghép ở mức khéo léo với tần suất vừa phải, thì các nhãn hàng cũng đã đủ gây chú ý cho người xem, chứ đâu cần phải “hiên ngang” xuất hiện dày đặc đến mức phản cảm như vậy.
Rõ ràng, với những gameshow vốn đã có kịch bản hay, thương hiệu được yêu thích sẵn thì bài toán cần giải quyết của các nhà đài hiện nay là lồng ghép quảng cáo phù hợp, sáng tạo, thông minh, khi ấy khán giả sẽ có cảm tình hơn với sản phẩm, dịch vụ. Tiết chế quảng cáo hiện vẫn là điều khó đối với nhà sản xuất, thế nhưng, nếu không tìm cách giải quyết sớm thì chắc chắn chương trình sẽ phải trả giá đắt cho sự “ngoan cố” này.
Minh An
Ngày 18/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa” nhằm lấy ý kiến cho các dự thảo về việc thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa và các khu phát triển thương mại - văn hóa, tạo lực đẩy cho phát triển Thủ đô.