Quảng Nam 2023: Vững bước chuyển mình, kiến tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Địa phương
04:41 PM 10/01/2023

Quảng Nam là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất cách mạng kiên trung, giàu truyền thống lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa. Trải qua “Năm Du lịch quốc gia 2022” với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, vùng đất này đang chuyển mình với những bước đột phá quan trọng cả về chủ trương, chính sách và những kết quả ấn tượng.

Với việc triển khai 212 sự kiện diễn ra trên khắp cả nước, trong đó riêng Quảng Nam tổ chức 73 sự kiện, "Năm Du lịch quốc gia 2022" với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" vừa chính thức khép lại, song đã lan tỏa vai trò, hiệu quả đối với nền kinh tế Quảng Nam và nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng mở ra nhiều triển vọng mới để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, kích hoạt lại hoạt động du lịch, góp phần phục hồi và phát triển du lịch Quảng Nam sau đại dịch COVID-19.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao giấy chứng nhận và bằng khen tặng các nhà tài trợ tại Lễ bế mạc "Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022".

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao giấy chứng nhận và bằng khen tặng các nhà tài trợ tại Lễ bế mạc "Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022".

Trong "Năm Du lịch quốc gia 2022", ngành Du lịch Quảng Nam đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ của toàn xã hội, sự hợp tác, giúp đỡ của các đối tác, bạn bè quốc tế. Với nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo và người dân, du lịch Quảng Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, đang từng bước khẳng định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam và đất nước.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại tỉnh ước đạt gần 4,8 triệu lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch năm 2022 của Quảng Nam ước đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 8 lần so với cùng kỳ năm 2021, đã tạo công ăn việc làm cho hơn 16.000 người lao động trong lĩnh vực du lịch. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 8.900 tỷ đồng.

Những kết quả ấn tượng này đã chứng minh Quảng Nam bứt phá, có những đóng góp quan trọng, tạo nên những nét vẽ đẹp trên bức tranh đầy màu sắc, sống động và hấp dẫn của ngành Du lịch Việt Nam. Những kết quả ấn tượng này đã, đang và sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.

Từ "cú hích" của ngành Du lịch, tình hình kinh tế - xã hội Quảng Nam năm 2022 phát triển khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực. Tổng thu Ngân sách Nhà nước ước đạt 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán và tăng 40,1% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 69.110 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 11,2% cao hơn so với năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao đầu năm (7,5-8%); đứng vị thứ 11/63 so với cả nước; 4/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) năm 2022 hơn 116.374 tỷ đồng.

Phố cổ Hội An - điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế trong "Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022".

Phố cổ Hội An - điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế trong "Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022".

Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp của Quảng Nam chiếm 13,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35%, trong đó công nghiệp chiếm 28,9%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 31,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 20%. GRDP bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng, tăng 12,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng tăng 4,7% so với năm 2021.

Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,5% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: khai khoáng khác; sản xuất đồ uống; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất xe có động cơ; sản xuất và phân phối điện. Với riêng hoạt động xây dựng, tuy đang gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên, nhiên vật liệu cho xây dựng tăng cao, tiến độ giải ngân vốn ngân sách chậm nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá ổn định.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã cấp mới 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 68,24 triệu USD thuộc các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ. Trong đó, có một số dự án lớn như: Dự án Nam châm từ tính SGI tại KCN Bắc Chu Lai với tổng vốn đầu tư 39,3 triệu USD; Dự án Nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 8,62 triệu USD… nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 194 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 6,05 tỷ USD. Cấp mới 56 dự án với tổng vốn đăng ký 8.566,4 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trong nước còn hiệu lực là 968 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 242 nghìn tỷ đồng…

Năm mới 2023, Quảng Nam xác định: "Tập trung phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số; hoàn thành quy hoạch tỉnh và các quy hoạch không gian quan trọng". 

Trong đó, huy động tối đa nguồn lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thành quy hoạch tỉnh và các quy hoạch không gian quan trọng. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong năm 2023, Quảng Nam sẽ thực hiện hiệu quả ba nhiệm vụ đột phá chiến lược: Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai; Giữ vững quốc phòng, an ninh, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Với các chỉ tiêu phát triển trong năm 2023, Quảng Nam xác định, đối với kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng trên 9,0%; tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP chiếm trên 30%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 26.680 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về xã hội: Phấn đấu giảm 3.000 hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%,... Với chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,8%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 83%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 98%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%...

Quảng Nam là tỉnh có nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa. Nói đến văn hóa Quảng Nam là nói đến những di sản văn hoá vật thể tiêu biểu và độc đáo với 55 di tích cấp quốc gia và 282 di tích cấp tỉnh. Nổi bật nhất là 2 di sản văn hoá thế giới là khu Phố cổ Hội An và khu Đền tháp Mỹ Sơn; ngoài ra, có thể kể đến hệ thống tháp Chăm, Kinh đô cổ Trà Kiệu,...

Quảng Nam 2023: Vững bước chuyển mình, kiến tạo đột phá, vươn tầm cao mới - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, Quảng Nam có nhiều di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 120 lễ hội dân gian tiêu biểu và nhiều di sản phi vật thể khác có giá trị, như: Về âm nhạc có tuồng, hát bài chòi, hò bả trạo; nghệ thuật ẩm thực; những tri thức dân gian; làng nghề truyền thống...

Vì vậy, nếu năm 2022 là "cơ hội vàng" để tỉnh giới thiệu về vùng đất, con người và tiềm năng du lịch xứ Quảng với du khách trong nước và quốc tế, thì trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Quảng Nam sẽ chuyển mình, đột phá, vươn tầm cao mới. Trước hết là việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng nhằm bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch bền vững.

Phát triển du lịch với những bước đột phá mạnh mẽ sẽ giúp Quảng Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan… Đó chắc chắn sẽ là những tín hiệu lạc quan của Quảng Nam trong năm mới 2023 trong lộ trình phát triển trở thành một tỉnh năng động bậc nhất miền Trung.

Quảng Nam 2023 đang đứng trước vận hội lớn để tiến nhanh về phía trước, trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn mạnh tại Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung nước ta.


Phùng Sơn - Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.