Quảng Nam: Cạn lương thực, khoảng 200 công nhân mắc kẹt trong rừng kêu cứu
Hiện có 5 tốp công nhân thủy điện Đăk Mi 2 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) với khoảng 200 người đang mắc kẹt trong rừng vì lũ, lương thực cạn kiệt.
Chiều 29/10, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam (đang theo dõi H.Phước Sơn), cho biết huyện Phước Sơn đang triển khai các giải pháp nhằm tiếp tế lương thực, thực phẩm cho khoảng 200 công nhân thi công thủy điện Đăk Mi 2 (Phước Lộc) đang bị cô lập do sạt lở.
Phương án ưu tiên là cho người đưa hàng bằng đường sông. Sau đó, ngành chức năng sẽ dùng cáp treo để chuyển hàng cứu trợ.
Ông Hà cho hay, từ chiều nay đến ngày mai (30/10), lực lượng chức năng địa phương sẽ cố gắng đưa lương thực, thực phẩm vào khu vực biệt lập càng nhanh càng tốt. Trong trường hợp không thể tiếp cận đường bộ và đường thuỷ, sẽ tính phương án đưa lương thực bằng máy bay rồi thả xuống cho các điểm có công nhân.
Ông Lê Xuân Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng Lượng Agrita Quảng Nam (chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 2), người cũng đang mắc kẹt giữa rừng chia sẻ qua điện thoại với báo Thanh Niên, cho biết trên công trường thi công thủy điện hiện có khoảng 200 công nhân đang mắc kẹt với 5 tốp khác nhau. Các tốp công nhân đang đóng chân ở những khu vực an toàn dọc sông Đăk Mi và khu vực đập thủy điện.
Theo ông Tuấn, khoảng 100 công nhân ở trên đập. Khu vực ông đang ở với khoảng 30 người. Các điểm còn lại ở lân cận với 70 người nữa.
Hiện mọi người vẫn an toàn, chưa ai gặp sự cố gì. Tuy nhiên, nhu yếu phẩm đã cạn kiệt. Với khoảng 200 người, nếu ăn cháo thì có thể cầm cự đến trưa 30/10. Sang ngày 31/10 thì không còn thức ăn gì nữa.
Ông Tuấn đã liên hệ với các ngành chức năng để báo tình hình và đề nghị cấp lương thực, thực phẩm nhưng đường vào công trường rất khó khăn do sạt lở.
"Đường vào xã Phước Lộc đã chia cắt nên chúng tôi mong sẽ được tiếp nhu yếu phẩm rồi thông đường dần dần. Chúng tôi cũng lo lắng và mong muốn được giải cứu các công nhân”, ông Tuấn nói.
Hoàng MaiTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.