Quảng Nam: Chủ động ứng phó vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Theo Bản tin dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn: sáng 12/10/2022, một vùng áp thấp hình thành trên khu vực giữa Biển Đông; hồi 13 giờ ngày 12/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,2-14,2 độ Vĩ Bắc; 116,3-118,3 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9.
Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và nhiễu động đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên từ đêm 13/10 đến ngày 16/10/2022 các địa phương trong tỉnh khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa ở vùng núi phía Tây Bắc của tỉnh phổ biến từ 150-250mm, vùng đồng bằng ven biển, trung du, và vùng núi phía Tây Nam phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 500mm.
Từ ngày 13/10 đến ngày 16/10/2022 các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ cụ thể như sau: trên sông Vu Gia ở mức báo động 2 (BĐ2) đến trên báo động 3 (BĐ3), trên sông Thu Bồn ở mức BĐ2 - BĐ 3, trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ2 - BĐ3. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối; ngập úng tại các đô thị.
Thực hiện Công điện số 32/CĐ-QG ngày 12/10/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn của Nhân dân là trên hết; trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục chỉ đạo rà soát thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6670/UBND-KTN ngày 11/10/2022 về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó thiên tai thời gian đến. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thời tiết nguy hiểm trên biển qua các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn; trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử http://pctt.quangnam.vn, trang Facebook Thông tin phòng chống thiên tai Quảng Nam, thông tin lượng mưa tại các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thông qua ứng dụng VRAIN trên điện thoại di động và địa chỉ http://vrain.vn để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước, nơi có nguy cơ sạt lở đất; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt.
Chỉ đạo quyết liệt việc nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước, các nơi ngập sâu để chở người, hàng hóa khi có mưa lũ, các hồ thủy điện vận hành điều tiết.
Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, các khu vực ngập sâu, khu vực nguy hiểm, không để xảy ra các trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người như trong những đợt thiên tai vừa qua.
Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.
Các đơn vị kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ. Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Phùng SơnTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.