Quảng Nam: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết nhiều kiến nghị, khiếu nại của công dân

Địa phương
09:15 AM 09/05/2022

Sau khi lắng nghe những ý kiến của công dân và thành viên tham dự buổi tiếp công dân định kỳ vào ngày 20/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Lê Trí Thanh đã có thông báo kết luận cụ thể cho từng vụ việc.

Ông Lê Lục trú tại huyện Duy Xuyên trình bày về việc nhà của ông xuống cấp không thể xây dựng mới hoặc sửa chữa lại gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình, hộ gia đình ông thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng dự án khu nghĩ dưỡng Nam Hội An cũng như dự án mở rộng đường Võ Chí Công, đã thực hiện công tác kiểm kê từ năm 2018 và một số nội dung khác có liên quan.

Quảng Nam: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết nhiều kiến nghị, khiếu nại của công dân - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi tiếp công dân ngày 20/4/2022 (Ảnh: quangnam.gov.vn)

Về vụ việc của ông Lê Lục, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kết luận, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho gia đình đối với thửa đất có nhà ở bị ảnh hưởng quy hoạch vệt cây xanh đường Võ Chí Công thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND huyện Duy Xuyên, UBND huyện Thăng Bình trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm giải quyết quyền lợi của người dân có đất bị ảnh hưởng quy hoạch dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Duy Xuyên rà soát, kiểm tra đối với nội dung trình bày của hộ ông Lê Lục và các trường hợp tương tự để đề xuất phương án giải phóng mặt bằng vệt cây xanh đường Võ Chí Công đoạn qua huyện.

Ông Trần Văn Sách trú tại khối 7, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn đề nghị xem xét, cho công ty của ông được tiếp tục thi công xây dựng đối với khối lượng công việc còn lại của công trình trung tâm đón tiếp khách du lịch tại Hội An do đơn vị trúng thầu đã dừng thi công xây dựng công trình vì đang bị điều tra vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các quyền lợi của ông liên quan đến thửa đất OĐT 169, đường 28/3, khối Bầu Đưng, phường Thanh Hà bị ảnh hưởng dự án khu dân cư dọc tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài (giai đoạn 1) và trình bày nhiều nội dung khác.

Đối với trường hợp này, theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kiến nghị của ông Trần Văn Sách liên quan đến công trình trung tâm đón tiếp khách du lịch tại Hội An, công trình Tượng đài Cẩm Thanh giai đoạn 2 thuộc thẩm quyền giải quyết của bên mời thầu, chủ đầu tư dự án.

Việc lựa chọn nhà thầu tiếp tục thi công khối lượng công việc còn lại của công trình Trung tâm đón tiếp khách du lịch và tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu (chấm thầu), xử lý kiến nghị của nhà thầu đối với công trình Tượng đài Cẩm Thanh giai đoạn 2 phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu và quy định có liên quan.

Đối với thửa đất OĐT 169 được ông Trần Văn Sách trúng đấu giá quyền sử dụng đất, tại thời điểm đấu giá, thửa đất đảm bảo điều kiện để tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của ông Trần Văn Sách theo quy định của pháp luật khi thu hồi thửa đất nêu trên do bị ảnh hưởng bởi dự án khu dân cư dọc đường Điện Biên Phủ nối dài. Hiện nay, UBND thành phố Hội An đang lập hồ sơ, thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.

Kiến nghị của ông Trần Văn Sách về quyền lợi đối với thửa đất đang được UBND thành phố Hội An xem xét, giải quyết và đã có thông tin đến ông về tình hình thực hiện tại Công văn số 692/UBND ngày 24/3/2022, đề nghị ông Trần Văn Sách tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố Hội An trong quá trình giải quyết các vấn đề có liên quan.

UBND thành phố Hội An, UBND huyện Duy Xuyên, chủ đầu tư các dự án và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý, tình hình triển khai thực hiện dự án khu dân cư dọc tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài (giai đoạn 1), dự án mở rộng khu đô thị phố chợ Nam Phước và có biện pháp xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế (nếu có) để các dự án đảm bảo yêu cầu pháp lý và được tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cũng tại buổi tiếp, bà Trần Nữ Thục Quyên cùng 09 công dân khác mua đất tại dự án tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư nông nghiệp, nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO trình bày về việc dự án triển khai rất chậm so với tiến độ đã được chấp thuận và đề nghị chính quyền có biện pháp tháo gỡ việc công ty chậm nộp tiền đất để sớm ra sổ cho người dân.

Đối với kiến nghị của bà Trần Nữ Thục Quyên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kết luận, dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND thị xã Điện Bàn thường xuyên chỉ đạo, làm việc với chủ đầu tư để đôn đốc triển khai thực hiện và giải quyết các vướng mắc liên quan. Đến nay, dự án vẫn triển khai chưa đảm bảo tiến độ được UBND tỉnh chấp thuận, trong đó có nguyên nhân liên quan đến trách nhiệm, năng lực của chủ đầu tư.

UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì cùng với UBND thị xã Điện Bàn, các ngành có liên quan rà soát, báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án và giải quyết, trả lời dứt điểm các nội dung kiến nghị, vướng mắc của chủ đầu tư (đã ban hành Thông báo số 129/TB-UBND ngày 20/4/2022 để chỉ đạo triển khai thực hiện). Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của chủ đầu tư dự án. Việc ký quỹ của dự án được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, trường hợp chủ đầu tư cố tình kéo dài, không thực hiện dự án, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ pháp lý của dự án thì UBND tỉnh sẽ có các biện pháp, chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả biện pháp thu hồi dự án, lựa chọn đơn vị tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án và giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan theo quy định của pháp luật.

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.