Quảng Nam: Có 194 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 6,06 tỷ USD
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 194 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 6,06 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tính từ thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có khoảng vài trăm doanh nghiệp, trong đó có dưới 10 doanh nghiệp FDI với vốn đăng ký đầu tư dưới 20 triệu USD.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 194 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,06 tỷ USD tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch - dịch vụ…
Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất của tỉnh; với 59 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 870,2 triệu USD.
Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 8 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,11 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại khu Kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên trong thời gian qua, các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hầu như bị giảm sút, nhiều nhà đầu tư có dự kiến nhu cầu mở rộng đầu tư nhưng phải điều chỉnh kế hoạch.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 1 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, số lượng dự án và tổng vốn đầu tư đều giảm), điều chỉnh 2 dự án, chấm dứt 1 dự án. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 344,6 triệu USD (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022), giá trị nhập khẩu đạt 279,3 triệu USD (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022), đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 602 tỷ đồng, đến nay giải quyết việc làm khoảng 60.000 lao động.
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong thời gian qua đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhanh và dễ dàng với các thông tin về quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Quảng Nam đã hệ thống hóa quy trình đầu tư để hướng dẫn cho doanh nghiệp. Quá trình soạn thảo, ban hành cơ chế chính sách từng bước công khai, minh bạch; bảo đảm tính phù hợp, tính kịp thời và thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc ban hành triển khai pháp luật, cơ chế quản lý đầu tư đối với FDI.
Đồng thời, có sự tương tác tích cực và quan tâm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức tiếp doanh nghiệp để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã quan tâm cải tiến quy trình thẩm định, cấp và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với thời gian thẩm định và cấp giấy phép hợp lý; ban hành quy định về cơ chế liên thông trong việc thẩm định đầu tư, giảm 10% thời gian so với quy định.
Nguyễn TuấnTheo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.