Quảng Nam: Đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Bộ chính trị, của Quốc hội, Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đến năm 2023.
Trong năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của nhân dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh giảm 5,5% so với năm 2019, quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 94.668 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 14,5% (không đạt mục tiêu cơ cấu kinh tế đến năm 2020 khu vực nông nghiệp chỉ còn chiếm dưới 10%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,9%, trong đó công nghiệp chiếm 26,6%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 34,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 17,9%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế suy giảm ở cả 2 khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Sang năm 2021, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Tăng trưởng GRDP năm 2021 chỉ đạt 5,04%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng từ 6,5-7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 53,5 nghìn tỷ đồng, tăng 02% so với năm 2020.
Sản xuất công nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Thương mại - dịch vụ chưa hồi phục, tăng 0,35% so với năm 2020. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế, sản lượng sản xuất giảm do giảm đơn hàng và thị trường tiêu thụ; xuất nhập khẩu khó khăn do nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, hạn chế trong việc nhập khẩu nguyên liệu, xuất nhập cảnh, chuyển giao công nghệ… Các lĩnh vực du lịch, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu du lịch giảm 55,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 92,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy; Thiếu nguồn cung lao động chất lượng cao, có tay nghề, lao động thiếu, chưa sẵn sàng trở lại sản xuất; Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh...
Bước sang năm 2022, để vực dậy nền kinh tế - xã hội sau quãng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tỉnh Quảng Nam đã từng bước mở cửa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gắn với ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực ngành y tế; phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch COVID-19, trong đó chú trọng 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên, chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị; xã hội hoá đầu tư, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng Cảng Hàng không Chu Lai; Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ triển khai nhanh các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút và phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nghành may mặc, ngành chế biến nông lâm sản, dược liệu gắn với chế biến sâu với công nghệ cao, thân thiện môi trường tại các cụm công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp ở vùng phía Tây của tỉnh.
Thứ tư, tập trung nguồn vốn để ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh, vùng động lực, có tính đột phá và lan tỏa; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nhóm các dự án giao thông liên kết trong khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị du lịch ven biển, ven sông, nhóm dự án ô tô và cơ khí đa dụng, nhóm các khu công nghiệp và khu công nghiệp công nghệ cao, nhóm dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không, nhóm cảng biển và logistics Chu Lai và nhóm dự án nông nghiệp hàng hóa an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ năm, thực hiện hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Bảo đảm lưu thông thông suốt, hiệu quả, an toàn; Tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa; Đẩy mạnh phục hồi và phát triển công - nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, du lịch…
Thứ sáu, đẩy mạnh thu hút đầu tư ngoài nhà nước; thu hút các nguồn lực xã hội và thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Quản lý thu - chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; Bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đồng bộ văn hóa, xã hội, môi trường.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi toàn thể các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân phát huy bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững; đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng hành cùng các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Quảng Nam chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.
Phùng SơnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.