Quảng Nam: Đôn đốc thu hồi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp NSNN
Tính đến ngày 5/5/2025, toàn tỉnh Quảng Nam còn 35 dự án khu dân cư, khu đô thị nợ hơn 2.080 tỷ đồng, trong đó có 2.011,8 tỷ đồng là tiền sử dụng đất; 68,8 tỷ đồng tiền thuê đất một lần và hơn 224 tỷ đồng tiền chậm nộp.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang xảy ra tình trạng nợ đọng nghĩa vụ tài chính đất đai kéo dài, buộc UBND tỉnh phải có buổi làm việc với đại diện các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đôn đốc thu hồi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp về ngân sách nhà nước.
Tính đến ngày 5/5/2025, toàn tỉnh còn 35 dự án khu dân cư, khu đô thị nợ hơn 2.080 tỷ đồng, trong đó có 2.011,8 tỷ đồng là tiền sử dụng đất, 68,8 tỷ đồng tiền thuê đất một lần và hơn 224 tỷ đồng tiền chậm nộp. Tỷ lệ thu tiền sử dụng đất của tổ chức mới đạt 1,8% so với dự toán năm, gây áp lực lớn cho nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh.

Nhiều dự án nợ kéo dài từ năm 2021 đến nay, nổi bật như: Dự án Khu đô thị Phức hợp Hà My nợ gần 80 tỷ đồng, tiền chậm nộp phát sinh thêm 24,65 tỷ đồng. Khu dân cư đô thị Điện Minh (Công ty CP xây dựng công trình Minh Sơn) nợ hơn 240 tỷ đồng. Khu đô thị Phú Thịnh (Công ty TNHH MTV Dịch vụ và tổng hợp Phước Nguyên) nợ gần 280 tỷ đồng. Khu đô thị Ánh Dương, Khu dân cư mới Bình An 2, An Phú, An Bình Riverside… cũng nằm trong danh sách dự án nợ lớn đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Đáng chú ý, trong số tiền nợ nêu trên, có hơn 500 tỷ đồng là tiền doanh nghiệp đã ứng trước để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB), tuy nhiên đến nay các cơ quan tài chính, UBND cấp huyện chưa quyết toán để doanh nghiệp thực hiện ghi thu - ghi chi vào NSNN.
Nhiều doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, số tiền còn nợ doanh nghiệp chưa nộp là do tiền BT, GPMB doanh nghiệp đã ứng trước nhưng chưa quyết toán. Các dự án như KDC Thống Nhất, KDC khối 5 Điện Bàn, KDC Nhị Trưng – Cồn Thu, Khu đô thị Thiên Ân, KDC dọc đường Điện Biên Phủ nối dài… đều nằm trong diện này.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải hoàn thành nộp các khoản nợ trước ngày 30/6/2025. Riêng các doanh nghiệp đã bị cưỡng chế lần thứ ba bắt buộc phải nộp dứt điểm trước ngày 30/5/2025. Trường hợp không thực hiện đúng thời hạn, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi Giấy phép kinh doanh theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, UBND cấp huyện phối hợp với cơ quan thuế khẩn trương quyết toán các khoản tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà doanh nghiệp đã ứng trước, hoàn thành trước hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khấu trừ nghĩa vụ tài chính.
Nguyễn Tuấn
Tốc độ Internet di động tại Việt Nam hiện đạt 150,43 Mbps, xếp thứ 18 thế giới, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu.