Quảng Nam: Hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Địa phương
01:01 PM 03/12/2021

Ngày 03/12/2021, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2021 và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam năm 2021 có nhiều điểm sáng

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội…trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch, kết hợp với phát triển kinh tế.

Theo báo cáo, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và khắc phục thiên tai, bão lụt, sạt lở đất… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát tốt trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh cũng dồn toàn lực vào việc chủ động khắc phục các thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 - Ảnh 1.

Quảng Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.491 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng -5,5%). Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, dự kiến vượt dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 21.154 tỷ đồng, đạt 109,3% so với dự toán; trong đó ước thực hiện thu nội địa 17.519 tỷ đồng, đạt 109,5% so với dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.635 tỷ đồng, đạt 108,5% so với dự toán.

Công tác quản lý tài nguyên, môi trường được tỉnh quan tâm sát sao, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 118 xã/194 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 60,8%, vượt 02 xã so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đề ra. Chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững, đến nay số hộ nghèo còn 19.279 hộ, tỷ lệ 4,45% (năm 2021 giảm 3.098 hộ so với 2.000 hộ của kế hoạch năm 2021).

Công tác phòng, chống và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 được tỉnh chủ động triển khai theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng y tế, mở rộng quy mô giường bệnh, phát triển một số kỹ thuật mũi nhọn y tế chuyên sâu.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn được giữ vững. Tỉnh Quảng Nam đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động động, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Công tác nội chính được giữ vững; Công tác quốc phòng, quân sự địa phương của tỉnh được triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo được tăng cường.

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2022, cụ thể:

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với quy định, định hướng của Trung ương.

Phục hồi và phát triển kinh tế trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, du lịch, nông nghiệp. Chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội làm cơ sở để thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đô thị phát triển. Kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông với khai thác tiềm năng quỹ đất để phát triển nhà ở.

Thực hiện tốt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời rà soát lại các Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, Quy hoạch chi tiết 1/500 để khớp nối, làm căn cứ tổ chức thực hiện đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, làm gia tăng giá trị đất đai, kích thích phát triển các loại hình sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu vực trọng điểm phân theo từng vùng. Tận dụng tối đa mọi nguồn lực cho việc đẩy mạnh các thế mạnh của từng vùng.

Tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại đảm bảo liên thông, tổng thể, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam còn đẩy mạnh phát triển nông thôn - miền núi. Triển khai thực hiện có hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Rà soát, đánh giá lại tổ chức bộ máy hiện nay, nhất là khối cơ quan nhà nước các cấp, để hợp lý hóa bộ máy nhằm thực hiện hiệu quả Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, uỷ quyền cho các Sở, ngành, địa phương, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục thủ hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; Thực hiện quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, môi trường.

Đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2022. Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm quản lý, khai thác tốt các nguồn thu theo quy định của pháp luật. Triển khai ngay việc giao dự toán thu ngân sách năm 2022 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch dự toán 2022 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và vượt mức so với số thu thực hiện năm 2021.

Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; chuẩn bị tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh năm 2022 ; giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.