Quảng Nam: Kinh tế - xã hội năm 2021 nhiều điểm sáng, đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Ngày 04/01/2022, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2021 và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam năm 2021 có nhiều điểm sáng
Năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam; sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tỉnh vẫn đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo báo cáo, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và khắc phục thiên tai, bão lụt, sạt lở đất… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát tốt trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh cũng dồn toàn lực vào việc chủ động khắc phục các thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chủ động triển khai công tác phòng, chống và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng y tế, mở rộng quy mô giường bệnh, nhất là y tế tuyến cơ sở.
Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.460 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng -5,5%). Xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tốc độ tăng trưởng.
Thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, dự kiến vượt dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.772 tỷ đồng, vượt dự toán 4.422 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa ước đạt 19.560 tỷ đồng, vượt dự toán 3.568 tỷ, thu nội địa không tính tiền sử dụng đất, xskt là 17181 tỷ, vượt 2696 tỷ, tiền sử dụng đất là 2302 tỷ, vượt 872 tỷ. Thu xuất nhập khẩu 4.123 tỷ đồng, vượt 773 tỷ so với cùng kỳ.
Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện; các cấp, các ngành chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép, giao đất và những khó khăn, vướng mắc.
Công tác quản lý tài nguyên, môi trường được tỉnh quan tâm sát sao, công tác lập và quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường tiếp tục được quan tâm chú trọng; công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, công trình trọng điểm, động lực thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc thực hiện để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 118 xã/194 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 60,8%, vượt 02 xã so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đề ra. Chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững, đến nay số hộ nghèo còn 19.279 hộ, tỷ lệ 4,45% (năm 2021 giảm 3.098 hộ so với 2.000 hộ của kế hoạch năm 2021).
An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm, đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng chế độ, chính sách; tổ chức an toàn, thành công các kỳ thi và tổ chức năm học mới học sinh được học tập trực tiếp trong môi trường kiểm soát được dịch bệnh; đời sống nhân dân tiếp tục được chăm lo, cải thiện.
Công tác nội chính được giữ vững; Công tác quốc phòng, quân sự địa phương của tỉnh được triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo được tăng cường.
Đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các Nghị quyết của Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XXII. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm cần tập trung, cụ thể:
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với quy định, định hướng của Trung ương.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội làm cơ sở để thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đô thị phát triển. Kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông với khai thác tiềm năng quỹ đất để phát triển nhà ở.
Thực hiện tốt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời rà soát lại các Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, Quy hoạch chi tiết 1/500 để khớp nối, làm căn cứ tổ chức thực hiện đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, làm gia tăng giá trị đất đai, kích thích phát triển các loại hình sản xuất.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu vực trọng điểm phân theo từng vùng. Tận dụng tối đa mọi nguồn lực cho việc đẩy mạnh các thế mạnh của từng vùng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam còn đẩy mạnh phát triển nông thôn – miền núi.
Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh CCHC và chuyển đổi số, tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với giám sát, hướng dẫn kịp thời.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; thực hiện quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, môi trường.
Đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2022. Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm quản lý, khai thác tốt các nguồn thu theo quy định của pháp luật. Triển khai ngay việc giao dự toán thu ngân sách năm 2022 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch dự toán 2022 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và vượt mức so với số thu thực hiện năm 2021.
Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đấu tranh phòng, chống tội phạm quyết liệt, hiệu quả ngay từ cơ sở.
Phùng SơnThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.