Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh đến năm 2025
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành kinh tế du lịch, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên… trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 5177/KH-UBND về “Phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025”.
Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 2579/QĐ-UBND ngày 21/9/2020 và Quyết định số 2724/QĐ-UBND ngày 05/10/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành Kế hoạch hành động ứng phó và Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 3245/KH-UBND ngày 15/6/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch sau dịch COVID-19 trong 02 năm 2020 - 2021; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025 với những nội dung cụ thể.
Theo đó, nhằm triển khai thực hiện các chương trình, nội dung thuộc kế hoạch này, tỉnh Quảng Nam kỳ vọng hướng đến các mục tiêu khác nhau.
Về mục tiêu chung, tỉnh xác định: Du lịch xanh đóng góp quan trọng cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên; Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh nhằm khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch.
Qua đó, thu hút thị trường khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày, có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch; Huy động sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch. Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch xanh.
Mục tiêu cụ thể: Góp phần thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng, lao động du lịch đạt 23.000 người; Hằng năm, xây dựng ít nhất 01 mô hình kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh; Đến năm 2025 xây dựng khoảng 10 - 20 mô hình du lịch xanh; 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh, bền vững; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam.
Trên cơ sơ kế hoạch đã xây dựng, xác định rõ mục tiêu, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất các nội dung thực hiện cụ thể, bao gồm:
Một là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh: Tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh, bền vững; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trên báo, đài; thông qua các Hội nghị, Hội thảo về du lịch; Tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch xanh, bền vững của các doanh nghiệp điển hình cho cộng đồng….
Hai là, phối hợp với Cơ quan dự án Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) để tham mưu ban hành và hướng dẫn triển khai Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
Ba là, khảo sát lập danh mục các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch để đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch xanh: Tổ chức khảo sát, phân tích, đánh giá, lập danh mục các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch để đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Kết nối các điểm du lịch xanh, xây dựng tour du lịch xanh trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động có kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch xanh, bền vững: Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên về du lịch xanh, có kỹ năng điều hành, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch thực hiện mô hình du lịch xanh, bền vững; Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các đối tượng tiếp cận các phương pháp, mô hình xây dựng sản phẩm du lịch xanh tại các địa phương trong và ngoài nước có mô hình du lịch xanh tiêu biểu.
Năm là, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch xanh.
Sáu là, liên kết, hợp tác phát triển du lịch xanh: Liên kết, hợp tác với các địa phương trong cả nước để đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm du lịch xanh; Tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch; Hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ, khai thác tối đa những lợi thế của du lịch mỗi địa phương, phù hợp với bối cảnh thị trường; Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức quốc tế tạo nguồn lực phát triển du lịch xanh.
Bảy là, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch xanh: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các làng nghề truyền thống (cổng chào, đường giao thông và nhà trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường…).
Tám là, thực hiện các kế hoạch, phương án ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; Các chương trình bảo vệ môi trường, hành động về rác thải nhựa, chương trình mục tiêu tăng trưởng xanh.
Chín là, xây dựng mô hình phát triển du lịch xanh: Chọn thành phố Hội An để xây dựng mô hình du lịch xanh điểm theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp… học tập, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Mười là, quảng bá, xúc tiến du lịch xanh Quảng Nam trong và ngoài nước thông qua việc xây dựng thông tin, dữ liệu và quảng bá, xúc tiến du lịch xanh; Tổ chức Hội chợ - triển lãm du lịch, các chuỗi sự kiện về phát triển du lịch xanh Quảng Nam.
Trên cơ sở các nội dung đã xây dựng, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện đúng tiến độ và đạt kết quả đề ra; định kỳ hằng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, gửi về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Theo kế hoạch, TP Hội An sẽ là địa phương đầu tiên được chọn xây dựng mô hình du lịch xanh điểm theo Bộ tiêu chí du lịch xanh làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp khác học tập, nhân rộng.
Phùng SơnDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.