Quảng Nam: Tạm giữ Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng TP. Hội An

Địa phương
09:31 AM 04/11/2021

Sáng 4/11, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Công an tỉnh vừa khám xét, tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Phạm Văn Điểu - Giám đốc Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) đầu tư xây dựng TP Hội An.

Các nguồn tin ban đầu cho hay, ông Phạm Văn Điểu bị tạm giữ để điều tra các sai phạm trong tổ chức đấu thầu tại một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước và do TP Hội An làm chủ đầu tư. Ngoài ông Điểu, hôm 3/11, Công an tỉnh Quảng Nam còn thực hiện lệnh tạm giữ hình sự đối với một nhân viên thuộc Ban QLDA đầu tư và xây dựng TP Hội An.

Quảng Nam: Tạm giữ khẩn cấp Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng TP. Hội An - Ảnh 1.

Trụ sở Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Hội An

Trước đó, ngày 27/10/2021, Công an TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng đã tạm giữ khẩn cấp Lê Hữu Vũ (33 tuổi, Giám đốc Ban QLDA đô thị huyện Thăng Bình) và Trần Thanh Dũng (34 tuổi, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn - Kỹ thuật xây dựng Đại Bình An) vì liên quan đến hành vi dàn xếp đấu thầu, vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, chỗ làm việc, phương tiện đối với Trần Thanh Dũng tại 19 Hoàng Hữu Nam, phường Hoà Thuận, TP Tam Kỳ.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2013 đến nay, Dũng liên kết với một số người khác thành lập các công ty để tham gia và dàn xếp các gói thầu xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Gần đây, Lê Hữu Vũ và Trần Thanh Dũng có liên quan đến việc dàn xếp đấu thầu 02 dự án xây dựng ở huyện Thăng Bình là Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh và Trường THCS Lê Quý Đôn từ nguồn ngân sách nhà nước.

Khi biết thông tin huyện Thăng Bình có chủ trương xây dựng 02 dự án nêu trên, Trần Thanh Dũng liên hệ với Lê Hữu Vũ để "xin" trúng thầu. Sau khi trao đổi, hai bên đã thống nhất sắp xếp để Công ty Đại Bình An trúng thầu, đồng thời trích lại % giá trị gói thầu này cho Ban QLDA theo yêu cầu của Vũ.

Sau đó Dũng lấy danh nghĩa Công ty Trường Phát Quảng Nam (do Dũng thành lập năm 2020, người khác làm Giám đốc) ký hợp đồng tư vấn mời thầu với Ban QLDA để công ty này lập hồ sơ trình lên Ban QLDA phê duyệt quyết định mời thầu, sau đó đăng thông tin lên trang muasamcong.com.vn.

Sau khi đăng tải thông tin mời thầu, có 03 công ty, bao gồm: Công ty Đại Bình An, Công ty Vương Trùng Dương và Công ty địa chính BD tham gia mua hồ sơ dự thầu. Dũng đã tìm cách liên hệ với Giám đốc Công ty Vương Trùng Dương và Công ty địa chính BD nhằm mục đích xây dựng hồ sơ không đúng, qua đó để Công ty Đại Bình An trúng thầu.

Công an tỉnh Quảng Nam nêu rõ hành vi sắp xếp việc đấu thầu của các đối tượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước và có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc đang được tích cực điều tra mở rộng.

Trước đó, hôm 30/10, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian qua Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm về đấu thầu, phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực.

Bộ Công an nhận định hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ "sân sau", không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi "hoa hồng" của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Nếu để sai phạm trong đấu thầu kéo dài, sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, còn làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo nhận định của Bộ Công an, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ các hoạt động vi phạm Luật Đấu thầu, quán triệt tốt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc "phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng"; "xử lý một người để cứu muôn người".

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.