Quảng Nam: Tháo gỡ vướng mắc đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp
Chiều 7/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với Sở, ngành, địa phương liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và vướng mắc của các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham dự và chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 13 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập với tổng diện tích 3.528ha, trong đó có 10 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai và 03 KCN nằm ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai.
Tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN là khoảng 9.487 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện 4.280 tỷ đồng (đạt 45% tổng vốn đăng ký đầu tư), trong đó: 9 KCN đã đi vào hoạt động; 4 KCN đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Các KCN đã được phê duyệt quy hoạch có tổng cộng 2.592ha đất công nghiệp, đến nay đã cho thuê 926,31ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 40%. Hiện nay còn khoảng 247 ha đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng, hạ tầng đầy đủ có thể cho thuê.
Bên cạnh những thuận lợi, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và các dự án tại khu công nghiệp cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án quy mô lớn kéo dài, nên trên thực tế khó giao đất, cho thuê đất 01 lần duy nhất toàn bộ dự án hoặc giao đất, cho thuê đất nhiều lần theo phân kỳ đầu tư của dự án mà phải tiến hành giao đất, cho thuê đất từng đợt tương ứng với diện tích đã được GPMB để nhà đầu tư triển khai dự án.
Cơ quan chức năng lúng túng trong việc xác định giá trị tiền thuê đất đối với khu đất/thửa đất theo từng quyết định cho thuê đất hay cho toàn bộ diện tích dự án… Ngoài ra, công tác bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu quỹ đất tái định cư nên không thể di dời dân trong vùng dự án, dẫn đến chưa có mặt bằng để giao cho nhà đầu tư thi công xây dựng…
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường phối hợp triển khai thực hiện các dự án theo đúng tiến độ. Đồng thời yêu cầu Sở Công thương, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các Sở, ngành, địa phương liên quan; tham mưu UBND tỉnh có phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay tại các khu công nghiệp…
Phùng SơnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.