Quảng Nam: Triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch đến năm 2025
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên địa bàn trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đến năm 2025, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 2702/KH-UBND thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch đến năm 2025 trên địa bàn.
Theo đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm mục đích kịp thời khắc phục những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, trên cơ sở đó từng bước phục hồi, phát triển du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đến năm 2025; Quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam với thông điệp "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh", tiếp tục khẳng định thương hiệu của du lịch Quảng Nam.
Để triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 lĩnh vực du lịch theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ, khách du lịch để khách du lịch yên tâm đi du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; kích cầu du lịch: Xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến trên ứng dụng hệ thống phần mềm du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tập trung quảng bá cung cấp thông tin của tỉnh, của các Sở, Ban, ngành, địa phương trong tỉnh và các địa phương có liên kết, hợp tác xúc tiến, phát triển du lịch, quảng bá thông qua mạng xã hội…; Đẩy mạnh truyền thông với thông điệp "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh", "Người Quảng Nam đi du lịch Quảng Nam". Tập trung trọng tâm quảng bá, xúc tiến du lịch thị trường nội địa và các thị trường mở cửa đón khách quốc tế theo chủ trương của Chính phủ; Tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch trực tiếp và trực tuyến để tăng cường giới thiệu hình ảnh du lịch Quảng Nam đến du khách; tăng cường hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng các chương trình du lịch/combo để thu hút khách.
Nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ Phố cổ Hội An, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, mở rộng không gian phố cổ và chợ đêm Hội An, Khu du lịch Đảo Ký ức Hội An…; Xây dựng và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng du lịch xanh, bền vững, an toàn; tích cực hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghiên cứu khai thác loại hình du lịch tàu biển Chu Lai, Kỳ Hà; thu hút đầu tư các dự án du lịch dọc ven biển.
Hoàn thành và đưa vào hoạt động hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam; Xây dựng cơ bản hệ thống du lịch thực tế ảo, bản đồ số, công nghệ thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách khi đến với Quảng Nam; Xây dựng nền tảng tiếp thị số cho ngành du lịch tỉnh Quảng Nam. Xây dựng nền tảng metaverse cho du lịch thành phố Hội An; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng (hội chợ, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến).
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo lao động đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp du lịch; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo các ngành, nghề phục vụ phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục cho tổ chức và cá nhân.
Đẩy mạnh triển khai chương trình liên kết hành động với các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa đón khách theo lộ trình phù hợp, khôi phục và phát triển du lịch; triển khai các hoạt động liên kết với các ngành, lĩnh vực như: hàng không, thương mại, truyền thông để xúc tiến quảng bá…; tăng cường hợp tác công - tư trong quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tham mưu ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch xanh Quảng Nam; Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2025; 6 Kế hoạch liên kết phát triển du lịch: Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành đến năm 2025; Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025…; Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch giai đoạn 2022 – 2025; Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động, thành lập Quỹ xúc tiến du lịch Quảng Nam.
Tăng cường quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các hoạt động du lịch; Triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh và định hướng phấn đấu đến năm 2025 đạt thương hiệu Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam, về yêu cầu, lợi ích của việc phục hồi hoạt động du lịch trong tình hình mới; nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch.
Để đảm bảo công tác triển khai kế hoạch có hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện đạt kết quả, đưa Quảng Nam sớm trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước trong thời gian gần nhất.
Phùng SơnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.