Quảng Nam: Triển khai ứng dụng Trung tâm điều hành thông minh huyện Duy Xuyên
Nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả của Trung tâm điều hành thông minh (IOC) trong công tác chỉ đạo điều hành tại địa phương, tỉnh Quảng Nam đã cho xây dựng và đi vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tại huyện Duy Xuyên.
Trong những năm qua, việc ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong các doanh nghiệp, trường học và bước đầu đã cung cấp một số dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa trở thành phương tiện phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới và phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, góp phần hiện đại hóa hành chính, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Nhằm phát huy thế mạnh của CNTT, góp phần xây dựng chính quyền điện tử gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước,… Đồng thời góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của tỉnh,… Quảng Nam đã cho xây dựng và đi vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tại huyện Duy Xuyên.
Được xây dựng với mục tiêu cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) được xem là một trong các giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển Chính phủ điện tử, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ.
Việc xây dựng IOC là một mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống như: các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội; giám sát trực quan trên bản đồ số; chất lượng dịch vụ Y tế; việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị; camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp; tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công…
Để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả của IOC trong công tác chỉ đạo điều hành tại địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp huyện.
Theo đó, Trung tâm điều hành đô thị thông minh huyện Duy Xuyên cung cấp các giải pháp, dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và các dịch vụ đô thị thông minh giúp lãnh đạo huyện điều hành những việc đột xuất cũng như thường ngày xảy ra trên địa bàn; Trung tâm hoạt động sẽ hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý, người dân được tham gia tương tác với hoạt động nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ hiệu lực, hiệu quả.
Trung tâm điều hành thông minh Huyện Duy Xuyên được xây dựng gồm 6 hệ thống sau:
Một là, Hệ thống giám sát và điều hành lĩnh vực Dịch vụ công giúp theo dõi, thống kê tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ của tổ chức, công dân tại Bộ phận một cửa các cấp, tình hình triển khai cung cấp Dịch vụ công trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của huyện. Hệ thống sử dụng số liệu từ phần mềm quản lý dịch vụ hành chính công do tỉnh triển khai.
Hai là, Hệ thống giám sát và điều hành Quản lý văn bản: Sử dụng số liệu tổng hợp từ phần mềm Q-Office, hệ thống giúp lãnh đạo huyện có đầy đủ thông tin về hiện trạng xử lý văn bản hành chính tại địa phương. Qua đó, lãnh đạo có thể nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác điều hành của lãnh đạo, các hoạt động tác nghiệp của cán bộ, công chức trên địa bàn huyện.
Ba là, Hệ thống giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội có nhiệm vụ Tổng hợp, hiển thị trên biểu đồ các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, dữ liệu Covid ... của huyện phục vụ theo dõi, phân tích các chỉ số thống kê.
Bốn là, Hệ thống giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế: Phân tích, tổng hợp số liệu về tình hình thực hiện khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Dữ liệu được tổng hợp tự động từ hệ thống phần mềm khám chữa bệnh của các bệnh viện.
Năm là, Hệ thống giám sát lĩnh vực Giáo dục: Hệ thống sử dụng dữ liệu được tổng hợp từ các phần mềm quản lý trường học đã được các trường triển khai để hỗ trợ lãnh đạo các cấp theo dõi và giám sát hoạt động giáo dục tại địa phương.
Sáu là, Hệ thống phản ánh - kiến nghị tích hợp với Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022: Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website, kèm theo hình ảnh, video. Những phản ánh này được ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải, để người dân có thể giám sát quá trình cho đến khi có kết quả cuối cùng.
Với việc triển khai đi vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh huyện Duy Xuyên sẽ là cơ sở giúp cho tỉnh Quảng Nam nâng cao hơn nữa năng lực trong hoạt động quản lý, điều hành, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giúp Quảng Nam phát triển một cách đồng bộ và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Phùng SơnTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.