Quảng Nam: Vững tin vào “mục tiêu kép”
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Nam và sự đồng thuận, ý thức cao của người dân, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được khống chế và đẩy lùi. Toàn tỉnh Quảng Nam đang dần trở về trạng thái “bình thường mới”, thực hiện "mục tiêu kép", tập trung khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt và có hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tổ chức truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, nỗ lực khống chế không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt lây lan mạnh ở một số khu vực miền núi của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để thu dung, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả, phù hợp.
Dịch bệnh cơ bản được khống chế, kiểm soát đã tạo điều kiện để Quảng Nam duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo số liệu được UBND tỉnh Quảng Nam công bố, trong 10 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 5% so với cùng kỳ; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,6%, sản xuất và phân phối điện tăng 22%, sản xuất cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 15,4%;...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Quảng Nam trong tháng 10/2021 là gần 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với tháng trước, giảm 16,6% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm gần 77% so với tổng mức, giảm 1,4%; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 11,6%, các lĩnh vực dịch vụ khác đều giảm.
Tổng lượt khách lưu trú tháng 10/2021 gần 15 nghìn lượt khách, tăng 42,6% so với tháng trước, giảm 50,2% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, tổng lượt khách lưu trú hơn 426 nghìn lượt, giảm 53,3% so với cùng kỳ; tổng lượt khách tham quan do các đơn vị lữ hành phục vụ hơn 7 nghìn lượt, giảm 68,4%. Hiện nay, ngành du lịch đang xây dựng các kịch bản để kích hoạt lại một số hoạt động đón khách tham quan khi đủ điều kiện cần thiết và thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Hiện tại, toàn tỉnh đã thu hoạch xong cây trồng vụ Hè Thu, năng suất lúa đạt 50 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng kỳ, tuy nhiên do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng lúa đạt 205,5 nghìn tấn, giảm 167 tấn so với cùng kỳ. Cả năm 2021, sản lượng lúa hơn 461,9 nghìn tấn, tăng 9,7 nghìn tấn so với năm 2020, năng suất đạt 55,9 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha. Sản lượng một số cây hàng năm khác thấp hơn cùng kỳ do diện tích gieo trồng giảm.
Chăn nuôi gia cầm phát triển khá, thị trường tiêu thụ ổn định; các mô hình trang trại, gia trại đa dạng về đối tượng và chất lượng đàn ngày càng tăng. Tổng đàn gia cầm 8,1 triệu con, tăng 198 nghìn con so với cùng kỳ; sản lượng thịt 10 tháng hơn 15 nghìn tấn, tăng 800 tấn. Tổng đàn trâu, bò khoảng 231,8 nghìn con, giảm 3,2 nghìn con so với cùng kỳ, sản lượng thịt 10,4 nghìn tấn, giảm 117 tấn...
Nhìn chung, mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nhưng hoạt động thương mại tại Quảng Nam vẫn diễn ra khá sôi động, thị trường hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại, giá cả ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong những tháng cuối năm, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
Trong hai tháng cuối năm 2021, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng, chống các loại dịch bệnh thường tái phát vào mùa Đông. Kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn; khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch dứt điểm tại các huyện: Núi Thành, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang,…; Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Rà soát, đánh giá năng lực hệ thống y tế, năng lực sản xuất, cung ứng các vật tư, thiết bị y tế để xây dựng kế hoạch, có các giải pháp trước mắt và dài hạn nhằm củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và khả năng tự chủ trong cung ứng vật tư, thiết bị y tế.
Triển khai Quy định tạm thời một số biện pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Quyết định số 3176/QĐ-UBND ngày 02/11/2021 của UBND tỉnh. Hoàn chỉnh Kế hoạch chi tiết tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo từng tháng từ nay đến cuối năm; Điều chỉnh Phương án đón khách quốc tế đến Quảng Nam; đón kiều bào có "hộ chiếu vắc xin" về du lịch trọn gói và thăm thân nhân qua các chuyến bay (thuê chuyến), Kế hoạch mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế;...
Quảng Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đảm bảo chu đáo, an toàn, tiết kiệm; trong đó, cần tập trung chăm lo tốt cho các đối tượng người nghèo, đối tượng xã hội, người có công cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số...;
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Quảng Nam và một số tỉnh lân cận vẫn còn diễn biến phức tạp, việc phục hồi và tăng tốc sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ còn không ít khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ - du lịch sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch; giải ngân vốn đầu tư công thấp và chưa đạt yêu cầu; thủ tục các dự án đầu tư chậm và công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án...
Dự báo các tháng 11, 12/2021, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, cùng sự linh hoạt, khoa học trong phòng, chống dịch và những giải pháp phục hồi kinh tế được chuẩn bị chu đáo, hiệu quả của tỉnh nhà, người dân Quảng Nam có thể vững tin vào các kết quả khả quan của "mục tiêu kép" trên hành trình trở về trạng thái "bình thường mới".
Phùng SơnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.