Quảng Nam xây dựng chiến lược phát triển cho cây sâm Ngọc Linh và các dược liệu quý
Thời gian qua, để phát huy các tiềm năng, lợi thế về dược liệu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Ðảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án để phát triển vùng dược liệu, đặc biệt là phát triển vùng sản xuất sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh. Từ những chính sách này, các địa phương trong vùng đã thành lập các đơn vị có chức năng triển khai, áp dụng khoa học và công nghệ để bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý như sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam.
Tại Quảng Nam, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam (gọi tắt là Trung tâm - PV) là đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chăm sóc, nuôi trồng, bảo vệ, mở rộng vườn sâm hiện có tại Trại Dược liệu Trà Linh, đảm bảo phát triển nhanh về số lượng, chất lượng cây sâm Ngọc Linh. Từ đó, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho việc khai thác, sản xuất các sản phẩm đặc hữu có giá trị cao, cung ứng giống và các nguyên liệu từ sâm cho nhân dân và các tổ chức có nhu cầu.
Không chỉ chăm sóc, nuôi trồng cây sâm Ngọc Linh, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam còn nghiên cứu các loại cây dược liệu quý có tiềm năng để quy hoạch, tổ chức nuôi trồng nhằm tạo nguồn dược liệu có giá trị phục vụ sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng. Trung tâm tiến hành nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch dược liệu, sản xuất sản phẩm từ dược liệu; phối hợp với các đơn vị khoa học về dược liệu, dược phẩm để tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu về sâm Ngọc Linh và dược liệu quý. Bên cạnh đó còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý khác cho nhân dân; tham mưu, trình các cơ quan chức năng ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cây sâm Ngọc Linh, sản xuất các mặt hàng đặc hữu có giá trị cao từ sâm Ngọc Linh và các dược liệu quý khác.
Trong cuộc trao đổi với PV tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam - cho biết: Sâm Ngọc Linh là một trong 4 loài sâm tốt nhất trên thế giới và được xem là “quốc bảo” của ngành dược liệu Việt Nam. Loài này có tên khoa học là Panax Vietnamensis (họ Nhân sâm), thuộc 250 loài thực vật quý hiếm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Đây là loài cây đặc hữu, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh (nằm giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum), phân bố tự nhiên ở độ cao từ 1.500 m trở lên tại địa bàn xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) và 2 xã của các huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum).
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh có giá trị rất cao, bởi phần rễ và thân rễ cây sâm có tới 52 hợp chất saponin (hợp chất chủ yếu trong các loại thảo dược quý), trong đó 26 loại saponin có cấu trúc hóa học như các loại sâm Hàn Quốc, Nhật Bản và 26 loại saponin khác chỉ ở sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, lá cây sâm gồm 19 hợp chất saponin, trong đó 8 hợp chất saponin khác với saponin ở bộ phận rễ và thân rễ. Với hàm lượng hợp chất saponin cao, nên sâm Ngọc Linh có tác dụng chữa bệnh tiểu đường, bảo vệ tim mạch, hạn chế khối u phát triển và phòng chống các bệnh ung thư…
Nhận thức được tầm quan trọng của sâm Ngọc Linh đối với ngành dược liệu nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam nói chung, UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Theo ông Trần Ngọc Bằng - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam, trong những tháng đầu năm 2020, lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo các Phòng, Trạm dược liệu triển khai tổ chức công tác làm cỏ, phát dọn thực bì, kẻ luống, phủ lá vườn sâm Ngọc Linh trước khi cây sâm kết thúc thời gian ngủ đông.
Đến thời điểm này, cây sâm nhiều năm tuổi đã tái sinh chồi khỏe, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Lãnh đạo Trung tâm cũng đã chỉ đạo cán bộ, công nhân viên tập trung chăm sóc hạt giống sâm Ngọc Linh được gieo ươm từ nguồn hạt giống năm 2019 và tăng cường công tác phòng trừ dịch bệnh; đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ hạt giống mọc đạt trên 60%, cây giống phát triển ổn định. Trung tâm đang tiếp tục tổ chức tuyển chọn cây sâm Ngọc Linh trội từ vườn sâm của Trạm Dược liệu Trà Linh, thiết lập vườn cây giống mẹ để phục vụ cho công tác nhân giống, đảm bảo chất lượng cây sâm giống;...
Song song với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam còn triển khai theo dõi mô hình di thực sâm Ngọc Linh xuống đai thấp để có cơ sở đánh giá nhân rộng ra các vùng lân cận trên địa bàn huyện Nam Trà My. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang tiến hành áp dụng kết quả Đề tài nghiên cứu khoa học đưa vào thực tiễn để nâng cao tỷ lệ nảy mầm cây giống, phấn đấu đạt trên 50% số hạt giống đem gieo nảy mầm, sinh trưởng phát triển tốt.
Trong thời gian tới, cụ thể là trong vụ Hè Thu năm 2020, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị trồng bảo tồn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và quản lý vườn bảo tồn cây dược liệu theo tinh thần chỉ đạo của Thông báo số 29/TB-SNN&PTNT ngày 4/3/2020 của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam; hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp các đơn vị trồng bảo tồn 03 cây dược liệu; triển khai chăm sóc kịp thời, bảo vệ tốt các vườn cây dược liệu, đảm bảo theo yêu cầu. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển cây dược liệu tại các khu vực bảo tồn; tiếp tục tổ chức bình tuyển, đánh giá, chọn cây đầu dòng để từng bước xây dựng vườn giống gốc cây sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt là sẽ tiếp tục trồng mới, mở rộng diện tích vườn sâm gốc trong năm 2020 (dự kiến là 0,5 ha) từ số lượng cây giống lưu vườn của năm 2019. Việc mở rộng diện tích, trồng mới cây sâm Ngọc Linh đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, liên kết sản xuất phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu nhằm tạo ra đột phá trong nông nghiệp và từng bước đưa Quảng Nam trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia... Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam, trong chiến lược lâu dài của mình, Trung tâm sẽ nỗ lực phát triển cây sâm Ngọc Linh, hướng đến việc mang đến những giá trị cao hơn, không chỉ là về mặt kinh tế, mà còn đối với nền y học, góp phần cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần cho người dân. Hơn nữa, khi đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô, về sự công nhận thương hiệu sâm Ngọc Linh đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, Trung tâm sẽ phối kết hợp với các đơn vị chức năng, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh vươn xa trên thị trường quốc tế, đem lại cho Việt Nam khả năng cạnh tranh cao với các cường quốc tiên tiến trên thế giới về loại hình sản phẩm này.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.