Quảng Ngãi: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045

Đầu tư và Tiếp thị
08:29 PM 04/03/2023

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.

Theo quy hoạch điều chỉnh, ranh giới Khu kinh tế Dung Quất được giới hạn theo Quyết định số 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 01 năm 2011, có phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp đường sắt Bắc Nam; phía Nam giáp thành phố Quảng Ngãi và phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, với quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha (gồm hiện trạng phần đảo nổi 1.039,85 ha và không gian phát triển mới) và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711,15 ha. 

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 - Ảnh 1.

Phạm vi bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã: Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Châu, Bình Hòa, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Dương, thị trấn Châu Ổ, và một phần diện tích các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn; toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh; toàn bộ diện tích tự nhiên xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ thuộc thành phố Quảng Ngãi; toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và mặt biển liền kề. 

Theo quy hoạch, Khu kinh tế Dung Quất phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng. 

Về quy mô dân số, đến năm 2030, Khu kinh tế Dung Quất khoảng 347.000 người, trong đó dân số đô thị là 295.000 người, nông thôn khoảng 52.000 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 85%. Tầm nhìn đến năm 2045, dân số khoảng 575.000 người, trong đó dân số đô thị là 546.000 người, nông thôn khoảng 29.000 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 95%. 

Về định hướng phát triển, cơ cấu phân khu chức năng toàn khu kinh tế được chia làm 05 phân khu chức năng chính, gồm: (1) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; (2) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; (3) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; (4) Phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất; (5) Phân khu đô thị Lý Sơn.

Các khu chức năng trong Khu kinh tế Dung Quất được điều chỉnh, sắp xếp lại như: Trung tâm điện lực Dung Quất bổ sung Trung tâm điện khí, diện tích khoảng 103 ha thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có tổng diện tích khoảng 8.040 ha, với 7 khu vực phát triển công nghiệp tập trung, trong đó các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được điều chỉnh có tổng diện tích khoảng 4.215 ha (Khu công nghiệp Tây Dung Quất, khoảng 355 ha; Khu công nghiệp Đông Dung Quất, khoảng 2.205 ha; Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước I, khoảng 610 ha; Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước II, khoảng 305 ha; Khu công nghiệp Tịnh Phong, khoảng 138 ha; Khu công nghiệp VSIP, khoảng 582 ha; Cụm công nghiệp Bình Nguyên, khoảng 20 ha); quy hoạch bổ sung Cụm công nghiệp Tịnh Phong, khoảng 75 ha; Quy hoạch bổ sung các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khoảng 3.750 ha (Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Dung Quất I, khoảng 165 ha; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Dung Quất II, khoảng 1.085 ha; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Thanh, khoảng 2.500 ha)... 

Các đô thị, khu đô thị có tổng diện tích khoảng 14.000 ha, gồm: Đô thị Lý Sơn (huyện Lý Sơn), đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và 04 khu đô thị hạt nhân của đô thị Bình Sơn (Dốc Sỏi, Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất), khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi), trong đó đất xây dựng dân dụng khoảng 9.365 ha (bao gồm đất đơn vị ở, đất công cộng, cây xanh, giao thông đô thị, và các thiết chế công đoàn lao động)...

Nguyễn Tuấn
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.