Quảng Ngãi: Đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ
Sáng 23/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, Trần Phước Hiền đã chủ trì cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư liên quan đến sản xuất, kinh doanh dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 19 dự án đang hoạt động, triển khai đầu tư sản xuất dăm gỗ, có hợp phần dăm gỗ (trong đó có 3 dự án không cấp chủ trương theo Luật Đầu tư) trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, có 17/19 dự án đã hoạt động, 2 dự án đang triển khai thủ tục để đầu tư.
Trong số 19 dự án đầu tư dăm gỗ đang hoạt động, có 6 dự án thực hiện sản xuất 100% dăm gỗ; 13 dự án đầu tư nhiều hợp phần, bao gồm có hợp phần dăm gỗ. Trong đó, có một số dự án nhà đầu tư có vi phạm về đất đai, xây dựng, môi trường,… đến nay, một số nhà đầu tư đã khắc phục vi phạm, một số đang khắc phục. Riêng đối với 2 dự án không cấp chủ trương đầu tư, thực hiện theo pháp luật đất đai tại Cụm Công nghiệp Đồng Dinh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiểm tra, rà soát, xử lý.
Đối với việc triển khai chủ trương của tỉnh về giảm tỷ lệ băm dăm thô, tăng tỷ lệ chế biến sâu, đa số các nhà đầu tư thống nhất với định hướng, chủ trương của tỉnh, tuy nhiên, phần lớn chưa đưa ra được lộ trình chuyển đổi của từng dự án.
Nguyên nhân là do, hiện nay thị trường ngành gỗ của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp không có đơn hàng, tồn kho lớn không xuất khẩu được; vấn đề này được thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam trong thời gian qua chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tình trạng chung là không thể sản xuất đồ gỗ nhưng vẫn phải duy trì lực lượng nhân công, trả lãi suất ngân hàng, bảo hiểm... nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để sản xuất, chế biến sâu, tinh chế gỗ thì cần gỗ lớn nhưng nguồn nguyên liệu gỗ lớn hiện nay tại tỉnh rất thấp. Một số nhà máy không có nguyên liệu để hoạt động. Các nhà đầu tư và địa phương ủng hộ quan điểm không khai thác keo non. Nhà đầu tư sẽ không mua hoặc không khai thác, địa phương tuyên truyền người dân không khai thác keo non.
Đại diện các doanh nghiệp đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư thực hiện các dự án sản xuất, chế biến dăm gỗ và đề xuất một số giải pháp phát triển ngành chế biến dăm gỗ trong thời gian tới. Mong muốn UBND tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục được ổn định sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ đối với tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động chân chính của các doanh nghiệp khác và ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm từ việc trồng rừng của người dân mang lại. Các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc xem lại việc thực thi pháp luật và trách nhiệm của mình khi hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để ngành chế biến gỗ phát triển tướng xứng với tiềm năng của tỉnh. "Quan điểm của tỉnh là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả với chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo một chu trình khép kín. Để đạt được mục tiêu, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, người dân có thu nhập tăng cao, ngân sách có nguồn thu và phát triển ngành lâm nghiệp không thua kém so với các địa phương trong khu vực", Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu của tỉnh đưa ra đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần rà soát lại những mặt còn tồn tại, hạn chế thuộc trách nhiệm của mình để có giải pháp khắc phục. Theo nguyên tắc, lỗi của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó phải sửa với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm.
Phùng SơnĐiều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng; 3 hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 25/12/2024; Quy định mới về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại,… là một số chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12/2024.