Quảng Ninh: 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 28.000 tỷ đồng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao, đứng thứ 4 cả nước.
Sáu tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh ước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 3 của miền Bắc (sau Hải Phòng và Bắc Ninh) và đứng thứ 4 cả nước. Với tốc độ tăng trưởng tốt này, kết quả thu NSNN của Quảng Ninh cũng rất tích cực.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện 6 tháng năm 2023 đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao, bằng 106% kịch bản. Trong đó, thu nội địa 6 tháng ước đạt 21.000 tỷ đồng, có 8/17 khoản thu đạt và vượt tốc độ thu bình quân 50%; 9/17 khoản thu không đạt tốc độ thu bình quân. Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 6 tháng đạt 7.000 tỷ đồng, bằng 61% dự toán Trung ương giao, bằng 107% kịch bản thu.
Yếu tố khác đóng góp vào tổng thu xuất nhập khẩu của Quảng Ninh còn là do ngay từ đầu năm, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tăng lượng than nhập khẩu để pha trộn phục vụ nhu cầu sản xuất. Phía Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ. Cục Hải quan tỉnh và sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh được Hội đồng Nhân dân tỉnh giao là 54.000 tỉ đồng. Để hoàn thành mục tiêu trên, từ nay đến cuối năm, tỉnh Quảng Ninh tập trung khai thác các dư địa ở những ngành trọng điểm, như công nghiệp chế biến chế tạo, than, điện, du lịch dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế biển, logistics.
Đồng thời, thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả; thực hiện cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tích cực xây dựng chính quyền phục vụ.
Trước đó, năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất ổn do tình hình thế giới và khu vực, nhất là chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Quảng Ninh đã khắc phục những khó khăn và đạt được nhiều kết quả tích cực trong điều hành kinh tế - xã hội, trong đó số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt kỷ lục mới với 56.500 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021.
Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.