Quảng Ninh: Cảnh báo trước nguy cơ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại phức tạp trở lại
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hoạt động buôn lậu, gian lận thương và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được đánh giá đã giảm so với cùng kỳ những năm trước. Tuy nhiên, có nơi, có thời điểm hoạt động buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra. Trong bối cảnh phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay thì những thủ đoạn buôn lậu, gian lận cũng được dự báo sẽ có nguy cơ "biến thể" và gia tăng.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh, tại khu vực cửa khẩu vẫn tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng nguồn lực về con người, trang thiết bị kiểm tra, giám sát trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn hạn chế, để buôn lậu, gian lận về số lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa…
Hơn nữa, nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng trong nội địa vào các giai đoạn chuyển mùa, dịp lễ, Tết thường tăng cao, các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng đường biên giới trên bộ dài, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, bến, bãi tự phát; đường biên giới trên biển dài, vùng biển rộng lớn, nhiều phương tiện qua lại; thời gian cao điểm và nếu có sự lơ là, mất cảnh giác của các lực lượng chức năng để thực hiện hoạt động buôn lậu, sang mạn, chuyển tải và vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới.
Mặt khác, khi tuyến biên giới đường bộ và khu vực cửa khẩu được kiểm soát chặt chẽ thì các đối tượng có thể chuyển hướng và thực hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, ma túy sang tuyến biển… Vì vậy, dự báo về nguy cơ diễn biến phức tạp đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới có thể sẽ trở lại nếu không được kiểm soát tốt.
Một khó khăn nữa trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử dù đã được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Kế hoạch số 399/KH-BCDD389 (ngày 10/10/2020) và Kế hoạch số 196/KH-UBND (ngày 06/11/2020) của UBND tỉnh Quảng Ninh nhưng cũng được đánh giá là phức tạp và khó kiểm soát.
Theo thống kê, tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 144 website thương mại điện tử đã đăng ký, thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử với Bộ Công thương qua cổng thông tin điện tử về quản lý hoạt động thương mại điện tử và đã được phê duyệt. Trong đó, có 138 website có chức năng bán hàng và 6 website có chức năng như sàn giao dịch thương mại điện tử.
Các kênh mua sắm online chủ yếu là các website thương mại điện tử, các diễn đàn mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động chiếm tỉ lệ gần 40%. Với các hình thức thanh toán trực tuyến được ứng dụng sử dụng và các đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển phát trong nước và quốc tế là đối tác quan trọng của các sàn thương mại điện tử lớn trong nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhưng hoạt động kinh doanh online lại rất khó lường và khó xác định cụ thể nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn trong xác minh thông tin.
Theo đánh giá của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, một số khu vực trên tuyến biển tại TP. Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Cô Tô, TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả vẫn còn phức tạp. Điển hình như hoạt động xuất hàng lậu một số mặt hàng thủy hải sản, con giống hải sản và các sản phẩm gia cầm như trường hợp 3 đối tượng dùng xuống 6 máy vận chuyển 46.600 con gà giống và 400 con ngỗng giống từ Trung Quốc về Việt Nam và đã bị bắt giữ với tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Hoạt động sang mạn, chuyển tải bất hợp pháp mặt hàng thuốc lá điếu trên vùng biển cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, hoạt động mua bán xăng dầu, vận chuyển mặt hàng than, sản phẩm ngoài than không có hóa đơn chứng từ vẫn diễn ra dù được xác định là quy mô nhỏ lẻ trên tuyến biển.
Thượng tá Nguyễn Đình Thái (Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Vạn Gia) cho biết: Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Vạn Gia được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn biên phòng xã Vĩnh Thực, xã Vĩnh Trung và Cửa khẩu Cảng Vạn Gia (TP. Móng Cái). Quản lý, tham gia kiểm soát và bảo vệ vùng biển đảo, cửa khẩu; ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động vi phạm hiệp định, hiệp ước liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ đoạn biên giới trên biển chính diện 14,5km, chiều sâu khoảng 35km.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đơn vị luôn nắm chắc tình hình ngoại biên, tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục trên địa bàn, vùng biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép và gian lận, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trái phép; phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người và các loại tội phạm khác.
Trong năm 2021, đơn vị đã chủ trì và phối hợp bắt giữ và xử lý 31 vụ với 36 đối tượng vi phạm; bàn giao cho UBND TP Móng Cái xử lý theo thẩm quyền 4 vụ với 4 đối tượng…
Hoàng SaBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.