Quảng Ninh: Chủ động, sẵn sàng “4 tại chỗ” ứng phó cơn bão số 3
Trước ảnh hưởng của Bão số 3 (bão Wipha) có khả năng gây mưa to, gió lớn và ngập lụt diện rộng, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 3 và tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các phương án ứng phó, thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất theo phương châm “4 tại chỗ”, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Cụ thể, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đã huy động tổng lực hơn 2.660 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện chuyên dụng để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do bão số 3 gây ra.
Trong đó, LLVT tỉnh Quảng Ninh triển khai 1.228 cán bộ, chiến sĩ; 27 ô tô các loại; 10 tàu và 32 xuồng. Đồng thời, lực lượng hiệp đồng từ các đơn vị thuộc Quân khu 3 cũng đã chi viện 1.435 cán bộ, chiến sĩ; 41 ô tô; 8 tàu; 27 xuồng và 6 xe đặc chủng. Tất cả đã vào vị trí, trực chiến 24/24h tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, các sở, ngành chức năng kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Hải Ninh. Ảnh: QMG
Không chỉ huy động lực lượng và phương tiện, các đơn vị quân đội còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, nhất là những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Song song đó, nhiều hoạt động chủ động phòng ngừa đã được triển khai như nạo vét, khơi thông cống rãnh; gia cố công trình yếu; chặt tỉa cây xanh đô thị; kiểm tra, gia cố mái tôn, biển hiệu quảng cáo… nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ. Tất cả đều được thực hiện với tinh thần khẩn trương, đồng bộ và quyết tâm cao “không để bị động, bất ngờ”.
Bên cạnh công tác quân sự, các hoạt động phòng chống thiên tai trong dân sự cũng đang được triển khai quyết liệt. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 7.708 cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó 800 cơ sở NTTS trên biển đã được thông báo kịp thời để triển khai biện pháp ứng phó. Việc rà soát, di dời người dân ở các khu NTTS lên bờ, đặc biệt ưu tiên phụ nữ, người già và trẻ nhỏ, đã được triển khai từ trưa ngày 19/7.
Tính đến 9h sáng 21/7, đã có 7.518 người được đưa vào bờ an toàn, công tác di dời đang tiếp tục được hoàn tất trong trưa cùng ngày.
Không dừng lại ở đó, các địa phương trên toàn tỉnh cũng đã rà soát 2.078 ngôi nhà có nguy cơ ngập lụt, sạt lở và không đảm bảo an toàn khi bão mạnh ảnh hưởng. UBND các cấp đã lập phương án di dời khẩn cấp khi cần thiết và thông báo cho người dân chủ động triển khai.
Đơn cử, trong ngày 20/7, phường Hồng Gai đã tiến hành di dời 25 hộ dân tại Chung cư 5 tầng Bạch Long và 35 hộ tại khu chung cư lô A, C tập thể bệnh viện - đều là những công trình cũ đã xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D. Phường Hà Lầm cũng dự kiến hoàn thành việc di dời 52 hộ dân sinh sống tại các khu vực nguy hiểm trước 14h ngày 21/7.
Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn cho du khách cũng được chú trọng. Trong ngày 20/7, các địa phương đã tổ chức đưa khoảng 14.000 khách du lịch tại các tuyến đảo về đất liền an toàn. Đến 17h cùng ngày, chỉ còn 47 khách lựa chọn tiếp tục lưu trú trên đảo tại Đặc khu Cô Tô và Đặc khu Vân Đồn. Các địa phương đã chỉ đạo doanh nghiệp du lịch bảo đảm đầy đủ điều kiện sinh hoạt, an toàn cho du khách còn lưu lại trong thời gian bão ảnh hưởng.
Thanh Hải
Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương có liên quan nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II năm 2025.