Quảng Ninh được cộng nhận thêm 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành các Quyết định số 3975/QĐ-BVHTTDL, 3976/QĐ-BVHTTDL và 3989/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 về việc đưa 3 di sản văn hóa của Quảng Ninh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo các quyết định, tỉnh Quảng Ninh có thêm 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh; lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y TP Hạ Long, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái, huyện Vân Đồn, huyện Ba Chẽ, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh; lễ mừng cơm mới của người Tày TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Đông Triều, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, lễ hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán diễn ra định kỳ hằng năm, chính hội vào ngày 4/4 Âm lịch. Vào ngày này, không một thành viên nào ở nhà vì người dân quan niệm nếu trong nhà có người thì thần gió sẽ không vào. Họ lặng lẽ rời nhà từ sớm, để khi thần gió vào nhà sẽ mang đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ và đem vào nhà những điều tốt lành, sự ấm no, sung túc.
Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y ở TP Hạ Long, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái, huyện Vân Đồn, huyện Ba Chẽ, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà.
Lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ đặt tên, đối với người con trai Dao Thanh Y dù có nhiều tuổi đến đâu, mà chưa trải qua lễ cấp sắc coi như chưa có tên, chưa ghi danh, chưa được cộng đồng và các thần linh công nhận. Do đó, người đàn ông Dao Thanh Y đã qua cấp sắc mới được coi là người trưởng thành, khẳng định với dòng tộc, tổ tiên về vị trí, vai trò của người đàn ông trong gia đình, mới được phép tham gia vào những công việc hệ trọng của làng, đủ tư cách thắp hương bàn thờ và có thể đi cúng cầu may, cầu mùa cho hàng xóm, khi chết được về đoàn tụ với tổ tiên.
Lễ mừng cơm mới của người Tày TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Đông Triều, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà.
Lễ mừng cơm mới là một phong tục có từ lâu đời ở Bình Liêu, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, phổ biến của bà con dân tộc Tày. “Linh hồn” trong lễ cúng mừng không thể thiếu món xôi cơm mới thơm ngát. Xôi cơm mới đặc biệt thơm ngon, dẻo, có vị thơm, ngọt của nếp đầu mùa.
Hiện tỉnh Quảng Ninh có 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận trước đó gồm: thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; hát Nhà tơ (hát cửa đình); lễ hội đền Cửa Ông; lễ hội Tiên Công; lễ hội đình Trà Cổ; lễ hội đình Quan Lạn; lễ hội Bạch Đằng; nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; lễ hội đình Đầm Hà; lễ hội đình Vạn Ninh; lễ hội xuống đồng.
Đây là những tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thu hút sự quan tâm đặc biệt của những nhà nghiên cứu văn hóa cũng như du khách trong nước, quốc tế.
Ngô HuyFestival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.