Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022
Ngày 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022 (PCI 2022).
Theo VCCI, Báo cáo PCI 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi của gần 12.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 1.200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Kết quả báo cáo PCI 2022 cho thấy, xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được duy trì. Những chuyển động đáng chú ý bao gồm chất lượng giải quyết thủ tục hành chính gia tăng; gánh nặng chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và thanh kiểm tra tiếp tục xu hướng giảm...
Quảng Ninh vẫn giữ vị trí đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100, tiếp tục ghi điểm với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Vị trí thứ hai là Bắc Giang sau khi cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021 để vươn lên đạt 72,80 điểm trên thang điểm 100 trong xếp hạng PCI 2022.
Trong năm 2022, chỉ số PCI của TP. HCM đã tụt 13 bậc khi từ vị trí thứ 14/63 (năm 2021) lùi về vị trí thứ 27/63 (năm 2022). Điểm sáng duy nhất của TPHCM trong báo cáo PCI 2022 chính là vẫn duy trì vị trí trong Top 10 địa phương được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đánh giá có triển vọng tốt về môi trường đầu tư (khi xếp ở thang điểm 33,3).
Không riêng gì TP. HCM, Hà Nội cũng bị rớt khỏi Top 10 trong bảng xếp hạng PCI 2022 khi từ vị trí thứ 10 (2021) tụt xuống vị trí thứ 20 (2022).
Đứng vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Đồng Tháp là tên tuổi quen thuộc trong top 5 của PCI. Kể từ PCI 2007 đến nay, tỉnh đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một "địa phương khởi nghiệp".
Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế (6), Bắc Ninh (7), Vĩnh Phúc (8), Đà Nẵng (9) và Long An (10). Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021.
Ở phía các địa phương có điểm thấp, Cao Bằng tiếp tục ở vị trí thấp nhất, đứng thứ 63 nếu xếp hạng, với 59,58 điểm; Điện Biên ở vị trí 62, với 59,85 điểm và Bạc Liêu đứng thứ 61, với 60,36 điểm. Điện Biên và Bạc Liêu trong PCI 2021 ở vị trí tương ứng là 53 và 55.
Phản ánh từ các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2022 cho thấy chính quyền các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Mai PhươngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.