Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Địa phương
05:09 PM 01/07/2025

Cùng với Ninh Bình, Quảng Ninh là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024 và tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Tại lễ công bố, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh đã công bố Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 27/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024”.

Năm 2010, Quảng Ninh bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện còn hết sức khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là sự chênh lệch về vùng miền và địa bàn rộng, địa hình phức tạp.

Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị, sự thống nhất của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của người dân và cách làm sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh, xây dựng NTM sau 15 năm đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Cùng với tỉnh Ninh Bình, tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đầu tiên trong cả nước giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu cho 98/98 xã và 9 đơn vị cấp huyện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và có 5 huyện hoàn thành tiêu chí, chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó Đầm Hà và Tiên Yên là hai huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao).

Tỉnh đã huy động tổng nguồn lực trên 146.000 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình, với hơn 91% đến từ nguồn xã hội hóa, thể hiện tư duy đổi mới và năng lực huy động sức dân, sức doanh nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn từ giao thông, điện, nước sạch, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông... đều được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Thu nhập người dân khu vực nông thôn đạt 84,14 triệu đồng/người/năm (cao hơn 30 triệu đồng so với bình quân cả nước), tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 87%; 99,99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Đặc biệt, đến cuối năm 2023, Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trước 3 năm so với kế hoạch của Chính phủ.

Cùng với tỉnh Ninh Bình, tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đầu tiên trong cả nước giai đoạn 2021-2025. 

Tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu đến năm 2035, đảm bảo tăng ít nhất 15-20% của từng loại hình xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt chuẩn NTM văn minh, hiện đại; là một trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM hiện đại.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, văn minh, hiện đại giai đoạn 2026–2035, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển bền vững của các địa phương sau sắp xếp; phát huy vai trò chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược trong xây dựng NTM, bao gồm: Phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn hiện đại, xanh và bền vững; đồng thời quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội.

Đồng thời, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; khơi dậy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và đồng hành của toàn xã hội trong xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.

Việc được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực của Quảng Ninh trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn và tạo nền tảng để tiếp tục phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7 Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7

Trong tháng 7, hàng loạt chính sách mới có hiệu lực như: 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp "sổ đỏ"; 5 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...