Quảng Ninh: Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì Hội nghị lần thứ 14 BCH Đảng bộ tỉnh để triển khai một số nội dung công việc. Trong đó có một nội dung quan trọng là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, căn cứ vào các chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên, kịp thời có các chỉ đạo cụ thể đối với từng địa bàn các huyện, thành phố để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, thực hiện kiểm soát, giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch; tăng cường biện pháp giám sát tại cộng đồng; khẩn trương tập trung mọi nguồn lực để thần tốc xác minh, truy vết, xét nghiệm, cách ly các trường hợp nghi nhiễm trong cộng đồng, kiên quyết không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh và phương án xử lý.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (Ảnh cổng TTĐT Quảng Ninh)
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Hiện nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường do chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, một số tỉnh phía Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Ở tại hội nghị lần này Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác phòng, chống dịch để thống nhất một số chủ trương, cơ chế, biện pháp mới, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, các phương án chuẩn bị ứng phó ở mức cao nhất với các tình huống xấu có thể nảy sinh; qua đó, đi sâu vào cơ chế chỉ huy, khâu tổ chức thực hiện và gắn với trách nhiệm cụ thể của mỗi cá nhân, mỗi ngành, mỗi địa phương.
Song song với đó, triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với tiểu thương, người lao động làm việc tại các chợ, trung tâm thương mại, ngư dân, những người làm dịch vụ phục vụ liên quan tại các cảng, bến thủy, bến cá, tàu cá,… Huy động tối đa nguồn nhân lực để triển khai tiêm chủng đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân theo tinh thần vắc xin được cấp đến đâu, thực hiện tiêm chủng an toàn đến đó.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng 72 cơ sở cách ly tập trung có thể sử dụng được ngay, với công suất hiện tại có thể tổ chức cách ly cho 14.000 người. Đồng thời cũng thành lập Tổ công tác để xây dựng phương án đảm bảo tình huống khi có 5.000 và 10.000 người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh; thành lập Tổ công tác xây dựng phương án chuyển trạng thái xã hội đáp ứng các cấp độ của dịch bệnh khi có 1.000 người mắc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh với yêu cầu đảm bảo sẵn sàng công tác hoạt động của các sở, ngành, đơn vị.
Với tinh thần thẳng thắn, tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ về kế hoạch, chuẩn bị phương án, điều kiện đảm bảo ứng phó, yêu cầu phòng, chống dịch trong tình huống khi có 1.000 ca F0; 5.000 ca F0; 10.000 ca F0 và phương án tổ chức cách ly trên diện rộng với số lượng lớn khi dịch bệnh bùng phát, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và theo yêu cầu, hướng dẫn về chuyên môn y tế, nhất là đối với biến chủng mới Delta; phương án điều trị khi có nhiều ca F0 diễn biến nặng; chế độ chính sách cho các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng...
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh, nhấn mạnh: Trong thời điểm này phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và gắn trách nhiệm cá nhân trong việc triển khai các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch.
Bí thư cấp ủy các cấp phải nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cấp mình; Chủ tịch UBND cùng cấp phải chịu trách nhiệm công tác điều hành, tổ chức thực hiện. Đối với ngành chức năng, bám sát các chỉ đạo, kế hoạch, phương án đã xây dựng để thực hiện. Đồng thời, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân, các lực lượng trong công tác chống dịch. Chủ động sàng lọc phát hiện sớm, để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết; xét nghiệm tập trung ở quy mô lớn, gồm cả xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Song song với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược về điều trị, không để tử vong nhiều, phát sinh nhiều ca bệnh. Ngành Y tế phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác điều trị. Đồng thời, kiên trì chiến lược về đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, trong đó ngành Công Thương và Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm đảm bảo không có khủng hoảng, rủi ro, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hoàng ChiếnBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.