Quảng Ninh: Kết quả triển khai chuyển đổi số toàn diện và xây dựng nông thôn mới trong 9 tháng

Địa phương
02:27 PM 26/09/2022

UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp, nghe đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số toàn diện và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong 9 tháng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ quý IV/2022. Ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là động lực tạo đột phá của sự phát triển, là mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát triển hạ tầng, dữ liệu nền tảng số đảm bảo an toàn thông tin; triển khai chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước, kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở; sử dụng chữ kỹ số

QUẢNG NINH: CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Trong xây dựng chính quyền số, 9 tháng năm 2022 đã tiếp nhận và giải quyết 125.506 hồ sơ, trong đó tiếp nhận giải quyết trực tuyến đạt tỷ lệ 75%; hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư và hệ thống một cửa điện tử, đảm bảo 100% xác thực định danh điện tử và kết nối; đưa 70% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với hơn 2,1 triệu tài khoản, tỷ lệ thanh toán đạt 62%

QUẢNG NINH: CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp

Tuy nhiên công tác triển khai chuyển đổi số toàn diện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực về lĩnh vực CNTT; các sở, ngành, địa phương còn lúng túng trong xác định nhiệm vụ trọng tâm gắn với định hướng, nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; thông tin định danh cá nhân giữa các lĩnh vực chưa đồng nhất, khó khăn đồng bộ dữ liệu; một số vị trí phủ sóng di động còn hạn chế, khó khăn cho công tác quản lý, điều hành và nhu cầu thông tin.

Về kết quả triển khai xây dựng NTM, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai kịp thời, bài bản, có hiệu quả các nội dung gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, nhất là vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, tiêu chí. Tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực, bố trí có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đã đề ra. Từ đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác triển khai xây dựng NTM hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Việc xây dựng các mô hình, dự án sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình mới. Các địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch huy động và tổng hợp nguồn lực đóng góp cộng đồng, nguồn lực đối ứng còn khó khăn; việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất còn chậm, chưa đảm bảo mục tiêu đề ra…

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chuyển đổi số toàn diện và xây dựng NTM là 2 nhiệm vụ trọng tâm, động lực tạo đột phá của tỉnh. Vì thế, các sở, ngành, địa phương cần xem xét, thực hiện rà soát lại tổng thể các nhiệm vụ.

Đối với chuyển đổi số toàn diện, cần có báo cáo giải trình cụ thể đối với các nhiệm vụ đến nay chưa triển khai; thực hiện giao ban hàng tháng để rà soát công việc và có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ; nâng cấp chất lượng Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh, hoàn thiện việc chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện công bố tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến từng địa phương, từng sở ngành để làm căn cứ đánh giá thi đua.

Tập trung giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc về nhân lực, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thành lập tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng; triển khai tổ chức tập huấn, nâng cao trách nhiệm các sở, ngành, địa phương.

Về triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bám sát chỉ đạo của tỉnh tại Kế hoạch số 29/KH-UBND tỉnh ngày 25/1/2022 về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2022; tiếp tục triển khai các phong trào thi đua; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân đồng thuận, đồng hành cùng tỉnh triển khai hiệu quả các mục tiêu phát triển, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Song song với đó, thực hiện rà soát tổng thể các chỉ tiêu, tiêu chí, chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững; cần có thống kê rõ ràng, đánh giá lợi thế cụ thể tại từng khu vực, từng vùng… Để từ đó, có biện pháp khắc phục khó khăn, ưu tiên hỗ trợ để hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu. Cần lưu ý, lựa chọn các tiêu chí dễ, không cần kinh phí ưu tiên triển khai trước. Các địa phương  phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thực hiện lập hồ sơ, đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM, trình Hội đồng thẩm định Trung ương trong quý IV/2022. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình đã phân bổ vốn, đảm bảo kế hoạch giải ngân. hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hoàng Chiến
Ý kiến của bạn