Quảng Ninh: Nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 được đặt lên hàng đầu

Địa phương
10:25 AM 23/11/2021

Mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị với một số nội dung, trong đó có nội dung quan trọng là chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát an toàn hiệu quả dịch bệnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có ca F0 xuất hiện đã nhanh chóng, chủ động khoanh vùng nơi nguy cơ để xác định ổ dịch, truy vết kịp thời, xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly F1, theo dõi F2. 

Đến nay, đã thực hiện cơ bản cách ly F1 tại nhà số lượng đông, từng bước thực hiện quản lý, theo dõi, hỗ trợ một số F0 tại nhà theo quy định và hướng dẫn. Trung tâm y tế các địa phương chuẩn bị phương án và đáp ứng ngay yêu cầu điều trị cho số lượng bệnh nhân vào viện gia tăng; thiết lập cơ sở thu dung, theo dõi điều trị F0 tại công xưởng và thành lập cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng cho những F0 không đủ điều kiện để thu dung, quản lý, chăm sóc tại nhà. Các địa phương cũng đã chuẩn bị số vắc xin tiêm đồng loạt mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và dự kiến tuần cuối tháng 11/2021 sẽ tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng này và tiêm vét cho số đối tượng chưa tham gia tiêm chủng.

photo-1637635437639

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh, nhấn mạnh: Mặc dù số ca F0 tăng trong cộng đồng và xuất hiện một số ổ dịch mới, nhưng tình hình dịch bệnh cơ bản vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra một số việc phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đó là việc tuân thủ các quy định pháp luật, hướng dẫn và yêu cầu của một số đơn vị chưa nghiêm, nhất là liên quan tới việc tổ chức các sự kiện đông người; nhiều địa phương còn lúng túng khi triển khai các biện pháp xử lý các tình huống nảy sinh dù tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải tập trung xử lý nhanh chóng các ổ dịch ở các địa phương. Trong đó, phải nâng cao hơn nữa vai trò chủ động, tích cực của từng người dân, mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp trong thích ứng an toàn trên cơ sở bám sát phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Thực hiện triệt để mô hình cách ly F1 tại nhà và nâng cao năng lực điều trị, cách ly F0 thể nhẹ không triệu chứng tại nhà, tại nơi lưu trú. 

Từ thực tiễn như ở huyện Hải Hà, Sở Y tế xây dựng phương án xử trí tình huống nảy sinh ổ dịch lớn ở địa bàn khó khăn, có tới hàng chục nghìn công nhân là người dân sinh sống ở nhiều địa phương và có đông người lao động ngoại tỉnh trên địa bàn. Khi xuất hiện trường hợp F0 phải phân tích, đánh giá, xác định từng trường hợp để có phương án điều trị, cách ly, thu dung phù hợp làm giảm áp lực cho y tế tuyến trên và không gây xáo trộn toàn hệ thống.

Để đảm bảo phục hồi sản xuất, từng địa phương đang có các ổ dịch tại các nhà máy, công trường, phân xưởng, xí nghiệp phải rà soát lại các trường hợp người lao động, nếu đủ điều kiện có thể tiếp tục lao động sản xuất đảm bảo không đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đối với trường hợp F1 trên cơ sở có cơ chế quản lý chặt chẽ thông qua việc xét nghiệm từ 7-9 ngày đều có kết quả âm tính thì có thể vừa sản xuất an toàn vừa phòng chống dịch.

Chính quyền các địa phương, Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc hoàn thiện quy trình cũng như việc tuân thủ quy trình phòng, chống dịch của các cơ sở sản xuất mà vừa qua bộc lộ bất cập. Mỗi người dân, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ nghiêm quy định 5K, thực hiện nghiêm khai báo y tế, quét mã QR, khai báo di chuyển nội địa.

Sở Y tế triển khai ngay mô hình thuốc thiết yếu cộng với thiết bị y tế về cơ sở đảm bảo người dân được tiếp cận sớm nhất. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng dịch, phấn đấu 30/11/2021 hoàn thành dữ liệu đồng bộ hai bộ dữ liệu lớn về nền tảng xét nghiệm và nền tảng dữ liệu dân cư và hoàn thành phần mềm quản lý F0, F1.

Từ nay đến cuối năm là thời gian sẽ diễn ra nhiều sự kiện tập trung đông người, vì vậy các địa phương, sở, ngành liên quan phải chỉ đạo có các biện pháp cần thiết để đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó phải gắn trách nhiệm người đứng đầu trực tiếp tổ chức các sự kiện.

Trong tuần qua, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 250 ca F0, trong đó 9 ca là các trường hợp lái xe đường dài từ các tỉnh phía Nam, 2 ca nhập cảnh và 239 ca là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng ở các địa phương: Hải Hà, Đầm Hà, Đông Triều, Uông Bí, Tiên Yên, Móng Cái, Hạ Long, Ba Chẽ. Như vậy tính từ ngày 1/11 đến nay, Quảng Ninh đã ghi nhận 513 ca F0 (51 ca từ tỉnh ngoài về, 1 ca nhập cảnh và 461 ca trong cộng đồng). Hiện có 372 ca nhiễm COVID-19 đang điều trị tại cơ sở y tế. Các bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ đến không có triệu chứng. Số bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện từ ngày 4/11 đến nay là 130 người.

Hoàng Chiến
Ý kiến của bạn
Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3,36 tỷ USD Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3,36 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023; xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng 96,5% so với cùng kỳ năm 2023.