Quảng Ninh: Nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển logistics
Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành một cực của trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ xuất - nhập khẩu trọng yếu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ngày 3/3, đoàn các doanh nghiệp logistics trong cả nước đã có buổi đi khảo sát tại một số KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để chuẩn bị cho hội nghị phát triển dịch vụ logistics diễn ra vào ngày 4/3/2023
Tại các địa điểm đến thăm, khảo sát, đoàn doanh nghiệp logistics đã được chủ đầu tư các KCN, Ban Quản lý KKT tỉnh và chính quyền địa phương giới thiệu những nét cơ bản về tổng thể quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, chính sách thu hút đầu tư, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Ninh, tỉnh rất quan tâm quy hoạch phát triển, trong đó có 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đều có nội dung phát triển hạ tầng cho kinh tế cửa khẩu. Đến nay đã tích hợp 7 quy hoạch chiến lược này thành 1 quy hoạch phát triển chung với các khu kho bãi hạ tầng logistics.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thời gian qua thu hút đầu tư cho hạ tầng logistics như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái,… rút ngắn thời gian từ Móng Cái về Hà Nội, Hải Phòng. Cùng với đó là một số hạ tầng như Cảng Vạn Ninh. Tại Móng Cái còn có hạ tầng KCN, Cầu Bắc Luân…
Hiện, địa phương đã hoàn thiện các công trình động lực trọng điểm, như: công trình đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; công trình đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả;... đồng thời đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp thu hút kêu gọi các nhà đầu tư và thu hút kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược về đầu tư hạ tầng cảng biển gắn với các dịch vụ hỗ trợ logistics.
Trong quá trình thu hút đầu tư, Quảng Ninh cũng rất chú trọng tới các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư trong nước, trong khi thu hút đầu tư FDI rất khó khăn.
Quá trình triển khai thu hút đầu tư có nhiều điểm sáng kết hợp giữa vốn Nhà nước và nguồn vốn tư nhân. Nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án là các dự án hạ tầng cảng biển, logistics như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Bến Thành, VINACOMEX, Đông Dương Group…
Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Tỉnh trở thành một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, trong đó dịch vụ logistics đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh.
Quảng Ninh chú trọng phát triển đội ngũ doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp với nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng công nghệ hiện đại để cung cấp các dịch vụ logistics với giá cả cạnh tranh. Hình thành các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh với tiêu chuẩn cung cấp các dịch vụ logistics trọn gói 3PL, dần dần tiến tới cung cấp các dịch vụ logistics 4PL, 5PL tại khu vực TP. Hạ Long, khu vực Vân Đồn, thị xã Quảng Yên, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cửa khẩu Hoành Mô
Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành một cực của trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ xuất - nhập khẩu trọng yếu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Do đó, Quảng Ninh xác định hợp tác với Hà Nội, Hải Phòng và Lạng Sơn trong phát triển các dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng của tỉnh. Đồng thời hợp tác logistics với nước ngoài giúp tăng cơ hội lớn kết nối với thị trường lớn hàng đầu thế giới thông qua kết nối chuỗi logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoàn thiện chính sách chuỗi logistics.
Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển và hoàn thiện hạ tầng logistics nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với các nước trong khu vực tam giác phát triển, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh khu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ thông qua xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng logistics, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (đường bộ, đường biển, đường hàng không kết nối với Trung Quốc, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn..) và hạ tầng kho bãi, đi kèm với với hạ tầng thương mại đồng bộ và hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với các quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua quá trình khảo sát, đoàn doanh nghiệp logistics nhận thấy, Quảng Ninh là địa bàn hấp dẫn, có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển logistics. Bằng chủ trương nhất quán của tỉnh, đến nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối cả đường bộ, đường biển và đường hàng không; nhiều KCN, KKT của tỉnh đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo hướng phát triển xanh và đã đón nhận nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Hoàng ChiếnTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.