Quảng Ninh: Quảng bá tiềm năng du lịch qua các lễ hội văn hóa

Địa phương
06:51 PM 02/12/2020

Hội Trà Hoa vàng Ba Chẽ lần thứ III, Lễ hội Bàn Vương năm 2020 và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà dự kiến diễn ra từ ngày 26-27/12/2020. Hoạt động này cũng nằm trong chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh: 
Quảng bá tiềm năng du lịch qua các lễ hội văn hóa  - Ảnh 1.

Hội Trà hoa vàng Ba Chẽ lần thứ III được tổ chức đồng thời cùng Lễ hội Bàn Vương và lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà nhằm tôn vinh, quảng bá, truyền thông về sản phẩm Trà hoa vàng và các sản phẩm đặc hữu của vùng đất Ba Chẽ với nguồn tài nguyên vô tận; khẳng định và giới thiệu giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh của di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà. 

Đồng thời, quảng bá tiềm năng du lịch thông qua đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc huyện Ba Chẽ như một lời chào, mời gọi các nhà đầu tư và du khách hãy đến với Ba Chẽ - một vùng đất với khát vọng đi lên đầy hứa hẹn. 

Hội Trà hoa vàng Ba Chẽ lần thứ III

Quảng Ninh: 
Quảng bá tiềm năng du lịch qua các lễ hội văn hóa  - Ảnh 2.

Trà hoa vàng Ba Chẽ.

Lễ hội Trà Hoa vàng lần thứ III với chủ đề "Danh trà đất Việt", được tổ chức không chỉ nhằm mục đích quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thế mạnh của huyện Ba Chẽ trong việc phát triển cây Trà Hoa vàng, một trong những cây trà thảo dược có nhiều tính năng chữa trị bệnh, được các nhà chuyên môn của Việt Nam và thế giới công nhận. 

Lễ hội lần này sẽ thực hiện việc Công bố về công dụng của các hoạt chất có trong Trà hoa vàng do các chuyên gia Hà Lan cùng với Viện Công nghệ sinh học-Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam nghiên cứu và thực hiện công bố (PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Giáo sư Brouwer nghiên cứu…).

Khách du lịch tham dự lễ khai mạc sẽ được thưởng thức trà hoa vàng, đặc sản của Ba Chẽ.

Khách du lịch tham dự lễ khai mạc sẽ được thưởng thức trà hoa vàng, đặc sản của Ba Chẽ.

Trà hoa vàng vốn là loại cây mọc tự nhiên trong rừng ở Ba Chẽ có từ rất lâu. Trước đây nhân dân địa phương khai thác hoa, lá, thân cây bán cho thương lái bên kia biên giới. Những năm gần đây, giá trị đích thực của cây trà hoa vàng mới được biết đến. 

Trà hoa vàng thuộc thực vật hạt kín, hai lá mầm, họ sơn trà, là một loại cây cảnh quý hiếm trên thế giới. Trà hoa vàng có hoa màu vàng kim đặc trưng, màu sắc rực rỡ, dường như bôi một lớp sáp mỏng bên trên, óng ánh mà mềm mượt, có cảm giác như bán trong suốt (hoa nở vào tháng 12 đến tháng 2 dương lịch, tức tháng 11,12 âm lịch; đây đang là mùa TRÀ HOA VÀNG nở hoa rộ).

Những năm gần đây, người dân Ba Chẽ thường thu hái lá, nụ và hoa trà để dùng giúp tăng cường sức khoẻ hoặc bán ra thị trường với giá cao, khoảng 15 triệu đồng/kg hoa khô. Huyện Ba Chẽ đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện Ba Chẽ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tập trung vào 02 loại dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao là ba kích và Trà hoa vàng. 

Tổng diện tích trồng Trà hoa vàng trên địa bàn huyện hiện nay là 200 ha; trong đó diện tích đang cho thu hoạch 100 ha. Tổng lượng hoa Trà hoa vàng được thu hoạch bình quân hàng năm từ 3,0-3,5 tấn.

 Sản phẩm Trà hoa vàng đã được bày bán tại các hội chợ do Tỉnh và các địa phương tổ chức; bày bán tại cửa hàng OCOP của huyện và một số địa phương trong Tỉnh. Đặc biêt tỉnh Quảng Ninh đã định hướng phát triển Trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP quốc gia.

Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà

Quảng Ninh: 
Quảng bá tiềm năng du lịch qua các lễ hội văn hóa  - Ảnh 4.

Di tích Miếu Ông - Miếu Bà.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà sẽ diễn ra cùng chương trình khai mạc Lễ Trà hoa Vàng vào tối ngày 26/12/2020 tại Sân tổ chức Lễ hội của Di tích Miếu Ông- Miếu Bà (thôn Cái Gian, xã Nam Sơn, huyên Ba Chẽ).

Phần chương trình nghệ thuật sử thi biểu diễn với 03 chương: Chương 1: Dấu tích lịch sử; Chương 2: Bản sắc và tiềm năng; Chương 3: Ba Chẽ vững bước đi lên. Với nội dung: Nói về lịch sử anh hùng của huyện Ba Chẽ, giá trị lịch sử của di tích Miếu Ông-Miếu Bà; tôn vinh Trà hoa vàng và các giá trị văn hóa đa sắc màu của các dân tộc Ba Chẽ như một lời mời gọi các nhà đầu tư, các du khách hãy đến với Ba Chẽ  - một vùng đất với bao tiểm ẩn đang cần được khám phá, trải nghiệm, đầu tư và phát triển.

Miếu Ông nằm trên ngọn đồi thấp thuộc núi Cái Vồng Ông,  được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), là nơi thờ Thành hoàng làng: Thần Tam Trĩ và những anh hùng dân tộc, những vị có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII: vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và tả tướng quân Lê Bá Đức.

Di tích Miếu Ông - Miếu Bà, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá vùng đất biên giới phía Bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta. Sự tồn tại của những di tích ấy có giá trị như những "cột mốc văn hóa" trường tồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.

Lễ hội Bàn Vương năm 2020

Tái hiện nghi thức cúng Bàn Vương của người Dao.

Tái hiện nghi thức cúng Bàn Vương của người Dao.

Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, trong đó thực hiện phục dựng lại Lễ hội Bàn Vương, một nghi lễ quan trọng của người dân tộc Dao, được tổ chức để tưởng nhớ đến công ơn của ông tổ đã sinh ra người Dao. Việc tổ chức Lễ hội là một phần trong thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng" được phê duyệt tại Quyết định số 3857/QĐ-UBND ngày 13/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Hoạt động trên còn là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghệ nhân dân gian trong và ngoài huyện.

Lễ hội Bàn Vương sẽ tái hiện hành trình "Vượt biển" của người Dao đến vùng đất mới trên 12 con thuyền tượng trưng cho 12 dòng họ của người Dao…đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Nghi lễ tưởng niệm ông tổ Bàn Vương – thủy tổ của người Dao; Trình diễn các nghi lễ đặc sắc của người Dao (Lễ nhảy lửa, lễ đón dâu, lễ đăt tên…) và chương trình giao lưu, trình diễn dân ca, dân vũ do các nghệ nhân, nam thanh, nữ tú của các nhánh Dao, ngành Dao thể hiện sẽ tạo nên một lễ hội đầy mầu sắc về trang phục như một lời chào, mời gọi các nhà đầu tư và du khách hãy đến với Ba Chẽ - một vùng đất với khát vọng đi lên đầy hứa hẹn. 


Trang Thu
Ý kiến của bạn