Quảng Ninh: Quyết liệt kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn
Ngay sau khi xuất hiện các ca bệnh trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các kịch bản thích ứng, linh hoạt trong phòng, chống dịch, yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan nhận diện rõ những lỗ hổng, hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch.
Những ngày qua, trên bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng với các ổ dịch tại TP Uông Bí và TX Đông Triều. Từ ngày 11/10/2021 đến 08h00 ngày 09/11/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 170 ca mắc mới, gồm 44 ca nhập cảnh được cách ly ngay (25 ca nhập cảnh bằng đường biển, 19 ca nhập cảnh bằng đường hàng không); 19 trường hợp đến/trở về từ các tỉnh phía Nam, 98 trường hợp phát hiện tại ổ dịch Đông Triều, Uông Bí và 09 trường hợp lây nhiễm khác.
Ngay sau khi xuất hiện các ca bệnh, bên cạnh việc thực hiện các kịch bản thích ứng, linh hoạt trong phòng, chống dịch đã xây dựng, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan nhận diện rõ những lỗ hổng, hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch để khẩn trương, quyết liệt có những biện pháp, cách thức kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các ca bệnh, các ổ dịch; đồng thời triển khai quyết liệt các phương án khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng, kiên quyết không để các ổ dịch thành đợt dịch, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã liên tiếp tổ chức các cuộc họp khẩn với các cơ quan chuyên môn, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch các cấp để phân tích, nhận định tình hình và đưa ra những chỉ đạo kịp thời, sát thực tế trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra và phê bình những tồn tại, hạn chế của một số địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch.
Qua phân tích tình hình cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh vẫn là khâu yếu, nhất là ở cấp cơ sở; việc phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng còn bị động, không do chính quyền cơ sở chủ động.
Mặt khác, sau hơn 100 ngày giữ vững địa bàn xanh an toàn, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân xuất hiện tâm lý, tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Do vậy, khi xuất hiện các ca bệnh, nhất là các ca F0 trong cộng đồng, đã liên tục lây lan ra địa bàn, có nguy cơ trở thành ổ dịch trong cộng đồng. Đây lại là những địa bàn đông dân cư, nhiều cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh có đông công nhân, hoạt động giao lưu, tiếp xúc, buôn bán, đi lại hết sức phức tạp.
Cụ thể là tại Đông Triều, Uông Bí có nhiều trường hợp là người Quảng Ninh đi đến những vùng có dịch đã được công bố, khi quay trở lại địa phương đã không khai báo y tế, không tự giác cách ly tại gia đình, hoặc cách ly không nghiêm túc, đặc biệt là dựa vào việc đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch nên lơ là, thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch và khi trở thành F0 đã lây sang người thân và lây lan ra cộng đồng, trong đó có những người lao động, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp có đông công nhân.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã liên tục có các quyết định về việc nâng cấp độ dịch ở một số xã, phường và địa phương xuất hiện nhiều ca bệnh, để nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống, ngăn chặn, ứng phó với dịch. Trong đó có việc chủ động xét nghiệm tầm soát để nhanh chóng phát hiện, bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng, tổ chức điều trị sớm, can thiệp sớm và cách ly sớm, đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh, trong đó tập trung vào các đối tượng trọng tâm, trọng điểm là những người có nguy cơ cao, đối tượng có bệnh nền không thể tiêm được, trẻ em, học sinh, người Quảng Ninh đi lao động ở tỉnh ngoài, công nhân, lao động trong các ngành sản xuất, kinh doanh tập trung đông người, trong ngành Than, khu công nghiệp.
Đối với thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tập trung xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm để bóc tách triệt để các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; chủ động khống chế, ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, dập tắt các ổ dịch, kiểm soát hoàn toàn tình hình để nhanh chóng phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân; phấn đấu trước ngày 15/11/2021 học sinh tiếp tục được tới trường học tập trực tiếp.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ khẩn trương hoàn thành tiêm vét cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi tới dưới 18 tuổi trong và ngoài trường học. Đối với các đối tượng trên 18 tuổi chưa tham gia tiêm chủng, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền, các địa phương cấp huyện, cấp xã phải tập trung rà soát, vận động, thực hiện tiêm chủng tối đa cho người dân nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe trước dịch bệnh COVID-19; đồng thời, lập danh sách cụ thể, chính xác những trường hợp chưa tiêm, không thể tiêm (lý do) chi tiết đến từng thôn, khu theo từng địa bàn xã, phường, thị trấn để có phương án hỗ trợ y tế phù hợp, kịp thời khi cần thiết và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh trước ngày 20/11/2021.
Thành ViênHội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính. Trong đó, VDCA đề xuất mức thuế suất 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số, giải trí số.