Quảng Ninh và cuộc lột xác về kinh tế nhờ chiến lược đột phá
Từ vùng đất được biết đến với những mỏ than đầy bụi, Quảng Ninh có bộ mặt mới khi chuyển sang phát triển kinh tế xanh, đầu tư mạnh hạ tầng.
Cuộc lột xác của 'thủ phủ vàng đen'
Khoảng 10 năm trước, nhiều doanh nghiệp từng xuống Quảng Ninh tìm cơ hội đầu tư đều phải lắc đầu vì không thể tìm ra con đường kinh doanh nào khác ngoài than. Thời đó, 70% cơ cấu ngân sách của tỉnh đến từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh còn lại 10% từ đất.
Cơ cấu kinh tế không có chỗ cho ngành du lịch, dịch vụ dù nơi đây sở hữu nhiều tiềm năng với 632 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có những Di sản thế giới UNESCO - vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long...
Trong ký ức của nhiều du khách thế hệ 7x-8x, Quảng Ninh chỉ có bãi biển Tuần Châu mở cửa tự do phục vụ tắm biển. Thời đó, tour du lịch chủ yếu là tham quan vịnh trong ngày, trên những thuyền gỗ của bà con bản địa. Trên boong tàu, thường có một biểu tượng không thể quên của ngành du lịch Việt Nam thập kỷ 90: túi nilon đựng bánh mì không và giò chả.
10 năm sau, tại vùng đất chỉ khai khoáng, dịch vụ, du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với chỉ 1,1 tỷ tiền thu phí tham quan của năm 1996, năm 2022, tổng thu từ du lịch của tỉnh đã đạt 25.172 tỷ. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu 27.000 tỷ đồng từ du lịch.
Quảng Ninh lúc này là điểm đến đa trải nghiệm suốt 4 mùa, từ những vùng biển đảo hoang sơ đến các khu giải trí đẳng cấp, shopping cửa khẩu và cả nghỉ dưỡng hạng sang. Ngoài tắm biển, bạn có thể tắm khoáng nóng chuẩn Nhật Bản, ngắm vịnh Hạ Long từ trực thăng... Không riêng Hạ Long, các địa phương khác như Móng Cái... cũng đang đẩy mạnh du lịch.
Ký ức về một Quảng Ninh ô nhiễm, mù mịt bụi than hay những đoạn đường xuống cấp nay cũng thay đổi. Nhờ cao tốc Hà Nội - Hạ Long, quãng đường từ Hà Nội xuống Hạ Long rút ngắn chỉ còn 3 giờ. Ngoài đường bộ, du khách có thể dễ dàng đến đây qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hay Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
7 năm liên tiếp (2016-2022) tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt hơn 10%. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so quy mô năm 2021, GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người.
Bước chân đồng hành cùng chiến lược đột phá
Đánh giá sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh suốt một thập kỷ qua, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng quy hoạch bài bản về hạ tầng là đòn bẩy cho chiến lược phát triển từ "nâu" sang "xanh" của tỉnh.
Từ năm 2012, Quảng Ninh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung xây dựng 3 chiến lược là kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính và đổi mới, phát triển nguồn nhân lực. Kéo theo đó là sự chuyển dịch từ công nghiệp khai khoáng sang nền kinh tế dịch vụ du lịch.
"Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay là nhờ đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách hành chính và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Chính các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh như Sun Group, với những dự án táo bạo, góp phần thay đổi diện mạo du lịch và hạ tầng Quảng Ninh một cách mạnh mẽ", ông Nghĩa đánh giá.
Dấu mốc thay đổi ngành du lịch Quảng Ninh là sự xuất hiện của bãi tắm dài 2km, sạch đẹp và hút khách do Sun Group cải tạo, đầu tư ở trung tâm Bãi Cháy vào năm 2015.
Một năm sau, tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Ha Long ra đời góp thêm sản phẩm du lịch với cáp treo hai tầng Nữ Hoàng băng qua eo biển lên đỉnh Ba Đèo và loạt trò chơi lần đầu tiên có ở miền Bắc.
Năm 2020, khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh khai trương với trải nghiệm tắm khoáng nóng chuẩn phong cách Nhật, tạo nên "cơn sốt" du lịch chăm sóc sức khoẻ. Tháng 4/2022, phố đêm du thuyền tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - nơi du khách trải nghiệm ẩm thực trên du thuyền 5 sao và ngắm Vịnh Hạ Long lung linh trong đêm cũng đi vào hoạt động.
Với sự chung tay của các tập đoàn lớn như Sun Group, Quảng Ninh đã trở thành một trong số ít địa phương có đủ bộ hạ tầng giao thông không – thủy – bộ, và sở hữu số km đường cao tốc lớn nhất cả nước.
Cuối năm 2018, khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khai trương, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên có sân bay tư nhân được World Travel Awards vinh danh là "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á".
Sân bay hạng sang do Tập đoàn Sun Group đầu tư giúp mở cánh cửa bầu trời rộng đón du khách đến với thành phố di sản. Lần đầu tiên tỉnh đón khách quốc tế trực tiếp từ đường bay thẳng kết nối Incheon (Hàn Quốc), Thâm Quyến (Trung Quốc)…
Cùng năm, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long khai trương và trở thành cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam. Cảng tàu mở lối giao thông đường biển đầy tiềm năng, khi có khả năng tiếp nhận những loại tàu biển hiện đại nhất có sức chứa đến hơn 10.000 người và các du thuyền từ giới siêu giàu trên thế giới.
Tháng 9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái do Sun Group kết hợp cùng tỉnh xây dựng khánh thành, tiếp tục đưa Quảng Ninh thành điểm nóng du lịch.
Quảng Ninh hôm nay mang một diện mạo hoàn toàn mới, nhờ những thay đổi mang tính chiến lược cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp tư nhân cho các dự án hạ tầng, du lịch. Bằng sự bứt phá để thoát ra khỏi "tấm áo chật" khi sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược vào cuộc, Quảng Ninh đã cho thấy một bài học thành công với mô hình dùng đầu tư công dẫn dắt đầu tư, trên hành trình trở thành điểm đến hàng đầu khu vực miền Bắc.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.